1/ Split (20-1)
Sau một loạt thất bại, tưởng chừng như nhà làm phim M. Night Shyamalan không thể lấy lại những lời khen tặng từ các bộ phim ông làm thập niên trước thì với Split, người hâm mộ được đền bù xứng đáng.
Có lẽ một phần vì nó ăn theo câu chuyện Unbreakable chấn động 17 năm trước khi cũng xoay quanh yếu tố phân tâm học.
Ngoài đường dây kịch bản rối rắm, cân não thì yếu tố khác chinh phục người xem thuộc về tài tử James McAvoy khi hóa thân thành 23 nhân vật cá tính khác biệt “sống” trong một hình thể giống hệt nhau.
Tuy được khen nhưng Split vẫn dính sạn khi hạn chế nhiều chi tiết chưa rõ ràng, đồng thời bị một tổ chức từ thiện về sức khỏe của Úc chỉ trích các yếu tố tâm lý trong phim sai lệch thực tế…
2/ John Wick: Chapter 2 (10-2)
Sau màn chào sân tạo dấu ấn mạnh mẽ năm 2014, ekip John Wick giữ vững phong độ trong phần hai, thậm chí được khen là xuất sắc hơn.
Dễ hiểu thôi khi tập phim mới về chuyện báo thù của chàng sát thủ John còn mang doanh số cao hơn phần một.
Đi theo phong cách hành động chân thực, không nhiều kỹ xảo… nên phim dễ dàng tạo màu riêng giữa muôn trùng siêu anh hùng giả tưởng.
Bên cạnh đó, tài tử Keanu Reeves đình đám một thời vẫn chứng tỏ được sức hút từ Ma trận với phong cách diễn xuất lạnh lùng, điềm đạm nhưng rất dứt khoát.
3/ Get Out (24-2)
Với một lịch phát hành không mấy hứa hẹn nhưng Get Out lại là bất ngờ lớn khi chinh phục cả giới phê bình lẫn khán giả.
Phim được chấm trên điểm 8 tại trang phê bình tổng hợp Metacritic và đạt doanh thu 245 triệu USD gấp 60 lần kinh phí thực hiện, đồng thời mang về hai giải MTV!
Thành công của phim nằm ở việc đặt vấn đề và lật ngược tình huống, giúp nó trở thành một phim kinh dị tâm lý chứa đựng ý nghĩa sâu xa hơn về nạn phân biệt người da màu tại Mỹ.
4/ Logan (3-3)
Không ai nghĩ người sói Wolverine có thể tuyệt hay sau hai phần phim trung bình trước đó, thế nhưng đạo diễn James Mangold đã khiến giới mộ điệu ngả mũ nhờ việc xử lý tình huống, các pha hành động một cách tài tình.
Đó là chưa kể ở tập phim kết thúc hành trình Wolverine, nhà sản xuất còn đánh vào quá khứ cùng thân phận người sói, giúp cho phim có chiều sâu.
Tờ New York Post còn xếp Logan vào hạng mục những phim siêu anh hùng hay nhất, trong khi tờ The Guardian đánh giá phim tràn ngập yếu tố ly kỳ hồi hộp với điểm số gần như tuyệt đối.
Các tờ báo lớn nhỏ khác đồng loạt dành lời khen và gọi Logan là phiên bản phim siêu anh hùng đầu tiên đáng được đề cử Oscar.
5/ Raw (10-3)
Cũng là một đại diện cho dòng phim kinh phí thấp như Get Out, đạo diễn trẻ Julia Ducournau chọn đề tài khá thách thức khi kể về những sở thích quái gỡ của con người, trong đó có việc ăn thịt đồng loại.
Mang nội dung nặng nề và khủng khiếp song cách thể hiện tinh tế và nhẹ nhàng đã giúp người xem chấp nhận và đồng điệu hơn.
Điều đáng nói Raw là phim nước ngoài, từng tham gia Liên hoan phim quốc tế Cannes 2016 và đã giành nhiều giải thưởng báo chí.
Phim được tờ Variety chọn vào Top 5 dù trước đó đã làm không ít khán giả sốc nặng và phải “thăm viếng” bác sĩ ngay tại Liên hoan phim Toronto!
6/ Personal Shopper (10-3)
Thân chinh nhiều cuộc chơi và có trong tay giải Đạo diễn xuất sắc nhất ở Cannes cùng mỹ nữ Kristen Stewart song vì được gắn mác là một phim nghệ thuật kén khán giả nên phim chỉ huề vốn, dù truyền thông Anh và Mỹ hết lời ca ngợi (The Guardian chấm 5 sao còn New York Times phản hồi rất tích cực).
Ngoài các cảnh khỏa thân được xử lý đẹp mắt, Personal Shopper còn là tác phẩm thú vị vì đan xen giữa yếu tố thời trang và những thước phim ma gây ám ảnh cho người xem.
7/ The Lost City of Z (14-4)
Chiến lược quảng bá èo uột cùng cái tên James Gray không mấy hot đã khiến cho số phận tác phẩm này rơi vào ngõ cụt.
The Hollywood Reporter gọi đây là phim lịch sử cá tính và gan dạ, còn Variety tính điểm cộng cho phần quay đẹp, dựng phim mượt mà cùng phần hậu kỳ chỉn chu…
Trong phim, tài tử Charlie Hunnam vào vai nhà thám hiểm người Anh Percy Fawcett, dưới sự giúp đỡ của bạn bè và người thân, đã tìm đường tới Amazon vào thế kỷ 20 và phát hiện ra một nền văn minh tiên tiến chưa từng được biết tới.
Tuy nhiên, anh gặp phải phản ứng gay gắt của dân bản địa và mất tích bí ẩn sau đó ít lâu…
8/ Wonder Woman (2-6)
Có rất nhiều bom tấn ra mắt từ đầu năm và vài tác phẩm nhận được hưởng ứng tích cực, tuy nhiên nếu phải chọn một ví dụ đặc biệt điển hình thì có lẽ không ai khác ngoài Nữ thần chiến binh Diana của Wonder Woman.
Doanh thu toàn cầu hơn 700 triệu USD cho một phim nữ siêu anh hùng đầu tiên, được làm bởi đạo diễn nữ đã chứng minh cho chúng ta thấy Hollywood không chỉ có đàn ông.
Một tác phẩm giải trí đẳng cấp, hợp tình hợp lý cùng dàn diễn viên trẻ đẹp đầy hứa hẹn rõ ràng giúp Wonder Woman lọt Top 10 không chút đắn đo.
Phim cũng trở thành bom tấn hiếm hoi đạt điểm cao từ các nhà phê bình: 76 trên metacritic và 92 trên rottentomatoes!
9/ It Comes at Night (9-6)
Lại thêm một đại diện của dòng phim kinh dị với cách tiếp cận đề tài hấp dẫn, không đi vào lối mòn.
Trước đó đạo diễn Trey Edward Shults gây ấn tượng với phim đầu tay thuộc thể loại gia đình nhưng chứa đựng nhiều cảnh quay gay cấn, căng thẳng nên ít nhiều phim sau của anh dễ dàng lọt vào mắt xanh của nhiều cây bút và các khán giả yêu phim độc lập.
Nội dung phim không quá mới khi nó xoay quanh một người đàn ông ra sức bảo vệ gia đình mình trước những thế lực đen tối bên ngoài cánh rừng.
Tờ Indiewire không tiếc lời ví von phim mang tinh thần của hai đạo diễn huyền thoại Robert Altman và Ingmar Bergman.
10/ Baby Driver (28-6)
Mới ra mắt chưa lâu, Baby Driver ngay lập tức trở thành tiêu điểm của giới chuyên môn khi mang đến hơi thở tươi trẻ, sắc xảo và đậm chất riêng dù kịch bản… quen quen: một chàng quái xế chuyên hành nghề cướp bóc bỗng dưng muốn hoàn lương vì tình yêu với cô gái ngây thơ.
Tuy nhiên, ông trùm của anh chàng quyết không để “cục cưng” của mình ra đi dễ dàng.
Sở hữu nhạc phim chất lượng, đủ mọi thể loại từ pop, rock, jazz, R&B, soul và quan trọng hơn là được dùng rất hợp lý tạo nên các trường đoạn phim lôi cuốn.
Phim không thiếu các pha tình cảm sến sẩm lấy lòng hàng triệu khán giả tuổi teen nên dễ dàng chinh phục doanh thu phòng vé.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận