Trailer phim Synecdoche, New York
Synecdoche, New York (2008)
Được đạo diễn bởi Charlie Kaufman, bộ phim mang hơi thở hoàn toàn khác biệt và không dễ tiếp cận ngay lần xem đầu tiên.
Câu chuyện xoay quanh Caden Cotard - một đạo diễn kịch nổi tiếng trước lúc qua đời đã "vẽ" ra tương lai của mình trong một thế giới riêng được ông "thiết kế" lại từ khu đất mới thuê.
Ở sân khấu cuộc đời do chính mình làm chủ, Cotard nhờ những diễn viên đóng lại chính ông và cả những người thân xung quanh.
Cảnh phim Synecdoche, New York
Trong khi thực hiện vở kịch đó, cuộc sống bên ngoài của ông vẫn tiếp diễn… tạo nên những mắc xích rối ren, phức tạp về bản ngã Caden Cotard và cũng là của con người nói chung.
Mặc dù có cấu trúc phi lý, khó đoán và dễ mất tập trung khi theo dõi nhưng Synecdoche, New York lại tạo ra cảm hứng sống kỳ lạ cho những ai đang cảm thấy chán ngán trật tự thường ngày của đời công nhân viên chức, hay chỉ đơn giản là thả mình vào trí tưởng tượng vô biên để tìm động lực thay đổi bản thân.
Trailer phim Werckmeister Harmonies
Werckmeister Harmonies (2000)
Những cú máy dài (long-take) hay không khí trữ tình hòa quyện vào hai sắc màu trắng đen của bộ phim khiến nó trở nên riêng biệt, hấp dẫn và quyến rũ đến nỗi trượt hết các giải điện ảnh quan trọng nhưng lọt sổ nhiều bình chọn Phim xuất sắc nhất thế kỷ 21.
Cảnh phim Werckmeister Harmonies
Tác giả của nó - nhà làm phim Hungary Béla Tarr và Ágnes Hranitzky quyết định chuyển thể tiểu thuyết The Melancholy of Resistance của nhà văn László Krasznahorkai xoay quanh một gánh xiếc hoang tàn và những con người nghèo nàn đi tìm hi vọng, sự bất tử… trong thời kỳ Liên Xô chiếm đóng Hungary cuối Thế chiến thứ II.
Trailer phim The Assassin
The Assassin (2015)
Mất hàng chục năm ấp ủ dự án, quay và dựng trong ba năm với rất nhiều khó khăn về chi phí và kỹ thuật, The Assassin (Nhiếp Ẩn Nương) cuối cùng cũng mang lại giải thưởng danh giá - Prix de la Mise en Scène (Đạo diễn xuấ sắc nhất) cho Hầu Hiếu Hiền tại Liên hoan phim Cannes.
Cảnh phim The Assassin
Câu chuyện về Nhiếp Ẩn Nương là giai thoại nổi tiếng, được truyền tụng nhiều đời nhưng với những bị bản khác nhau, đặc biệt là lựa chọn "biến mất khỏi giới giang hồ" của nữ sát thủ thoắt ẩn thoắt hiện này.
Và lựa chọn cách kể tối giản, đạt đến cảnh giới thiền của Hầu Hiếu Hiền khiến bộ phim không giống bất kỳ tác phẩm võ hiệp kỳ tình nào.
Dùng khung hình 3:4 kinh điển và những cảnh quay đẹp như tranh thủy mặc, ít thoại, không phô diễn quá nhiều tiểu xão võ thuật mà tìm tòi cách dựng phim tinh tế nhất chính là lý do để các "mọt phim" tìm xem Nhiếp Ẩn Nương.
Trailer Pan’s Labyrinth
Pan’s Labyrinth (2006)
Guillermo del Toro là một trong những nhà làm phim thú vị nhất còn hoạt động ngày nay khi luôn có cách tiếp cận độc đáo về trí tưởng tượng:
Ofelia là con gái nhỏ của một sĩ quan quân đội lạc vào thế giới huyễn hoặc đáng sợ - một mê cung tăm tối nơi cô bé phải thực hiện ba nhiệm vụ để chứng minh bản thân mình là công chúa và gặp được người cha thật sự của mình - một vị vua.
Cảnh phim Pan’s Labyrinth
Phim giành được ba giải Oscar về Hóa trang, Quay phim và Chỉ đạo nghệ thuật, trở thành số ít những phim kinh dị siêu nhiên đứng đầu nhiều bình chọn của giới phê bình, nhà báo khắp nước Mỹ.
Tác phẩm luôn được yêu thích nhờ tầng nghĩa sâu sắc ẩn sau câu chuyện hoang đường và rùng rợn.
Trailer phim Boyhood
Boyhood (2014)
Đúng như tựa phim, Boyhood được đạo diễn Richard Linklater quay từ 2002 đến 2013 với cùng chủ đề, cùng câu chuyện và cùng dàn diễn viên.
Cả ekip phim đã sống và làm việc cùng nhau tròn 11 năm để mang đến một bộ phim ý nhị và tinh tế về thế hệ, nhân sinh quan.
Cảnh phim Boyhood
Không chỉ "độc nhất" vì quá trình quay phim, Boyhood còn được đánh giá cao ở phần dựng phim, làm sao mang đến những cảnh phim vừa đủ, không thừa không thiếu để kể về sự lớn lên, thấu hiểu của cậu bé Mason trong một gia đình có cha mẹ ly dị.
Bộ phim không có nhiều kịch tính, chỉ đơn giản như cuộc sống bình lặng trôi qua trước mắt song ngôn ngữ điện ảnh mẫn cảm đã khiến nó trở thành một cult classic giữa Hollywood xa hoa.
Trailer phim Dogville
Dogville (2003)
Tương tự như Synecdoche, New York bối cảnh bộ phim thậm chí còn gói gọn hơn nhiều: tất cả sự kiện đều diễn ra trên một… sân khấu được gọi là "thị trấn" nhưng bằng giọng điệu rất điện ảnh, đầy cực đoan của nhà làm phim độc tài Lars Von Trier.
Cảnh phim Dogville
Phim xoay quanh một phụ nữ tên Grace đang trên đường trốn chạy khỏi xã hội đen thì lạc vào thị trấn Dogville và cậy nhờ những người dân tại đây.
Dogville có cấu trúc không khác gì những phim trước của Lars với 9 chương và luôn có kịch tính ở mỗi chương nhằm khai thác triệt để tâm lý nhân vật, cũng như khiến người xem bớt nhàm chán bởi bối cảnh đơn điệu.
Nữ diễn viên Nicole Kidman cũng được đánh giá cao vì "dám" nhận dự án "không giống ai" này để chứng tỏ bản lĩnh nghề nghiệp. Dogville nhận nhiều tán dương phần lớn nhờ kịch bản sắc xảo, khó đoán với nhiều nút thắt mở về cuối.
Trailer phim Holy Motors
Holy Motors (2012)
Choáng váng là từ dành cho bộ phim khi nó ra mắt tại Liên hoan phim Cannes cùng năm, và trong lúc người ta vẫn còn hoang mang về giá trị nghệ thuật của phim thì giờ đây nó chính thức trở thành kiệt tác từ đạo diễn Leos Carax và điện ảnh Pháp.
Cảnh phim Holy Motors
Như một "bài luận" về điện ảnh, Holy Motors giới thiệu cho khán giả Oscar - một người đàn ông giàu có hàng ngày ngồi trên chiếc Limousine trắng sang trọng đi khắp thành phố để vào những vai diễn khác nhau.
Trên xe có đầy đủ dụng cụ hóa trang, phục trang để Oscar "biến hình" thành 11 nhân vật.
Chứa đựng nhiều hình ảnh, trường đoạn phim siêu thực đồng thời không thiếu những giây phút bay bổng, lãng mạn… đau khổ hay hoan lạc, Holy Motors vẫn có duyên khi hớp hồn người xem bằng cách dàn dựng đầy gợi mở.
Trailer phim Mulholland Drive
Mulholland Drive (2001)
BBC chọn đây là phim hay nhất thế kỷ 21, nhiều nhà phê bình cũng đồng ý với lựa chọn đó.
Tác phẩm này ẩn chứa rất nhiều bí mật mà mãi đến tận ngày nay, vẫn còn đôi ba chỗ chi tiết chưa thể giải thích tường tận.
Ngay cả tác giả David Lynch cũng chẳng màng nỗi bức xúc của người xem.
Cảnh phim Mulholland Drive
Chuyện phim bắt đầu bằng một vụ tai nạn thảm khốc cách Hollywood không xa, vụ tai nạn ám ảnh này cũng như vụ tai nạn trong một phim kinh điển khác là Crash của David Cronenberg đã mở ra sau đó thế giới bi kịch và chết chóc ở kinh đô điện ảnh.
Theo đó, chúng ta được giới thiệu đến một cô gái trẻ tóc vàng, đang mơ mộng tiến thân ở Hollywood nhưng chuỗi ngày theo đuổi hào quang cho cô trải nghiệm trái đắng cùng những góc tối nhơ nhuốc và đáng sợ về quyền lực, ánh sáng, bóng tối.
Trailer phim Tropical Malady
Tropical Malady (2004)
Hầu hết các bộ phim do Apichatpong Weerasethakul đạo diễn đều có thể nằm trong danh sách những bộ phim độc đáo của thế kỷ này, như Blissfully Yours (2002), Syndromes and a Century (2006) hay Cành cọ vàng Uncle Boonmee (2010)… nhưng Tropical Malady là đại diện đầy đủ nhất về ngôn ngữ điện ảnh dị biệt tới từ nhà làm phim xứ Chùa vàng đang bị chính quyền tẩy chay.
Cảnh phim Tropical Malady
Trong Tropical Malady, ta được mời vào hai phần câu chuyện khá lạ.
Ở câu chuyện thứ nhất, mối tình giữa cậu bé tỉnh lẻ và một người lính đặt vào bối cảnh đương đại còn trong câu chuyện thứ hai, bối cảnh chủ yếu diễn ra trong rừng rậm với cuộc đối đầu giữa người lính và một nhóm khủng bố.
Bất kể lãng mạn, thần thoại hay ly kỳ, rùng rợn… tác phẩm vẫn giữ được nhịp điệu vừa phải, điều rất khó với một phim phi cốt truyện như Tropical Malady.
Trailer phim Goodbye to Language
Goodbye to Language (2014)
Không chỉ ở Pháp mà ở cả châu Âu, Jean-Luc Godard luôn được coi là bậc thầy, một trong những tác gia quan trọng nhất của Làn sóng mới những năm 60 thế kỷ trước.
Sau một thời gian "ở ẩn", ông trở lại bằng Goodbye to Language có sử dụng 3D vào hiệu ứng kể chuyện, từ đó tạo ra cách kể chuyện rất lạ.
Cảnh phim Goodbye to Language
Về cơ bản, nội dung của phim chỉ quanh quẩn mối tình giữa một phụ nữ đã lập gia đình và một người đàn ông nhưng cách kể thì quá khó theo dõi bởi nó phức tạp đến không tưởng, một kiểu thể nghiệm điện ảnh không dành cho người bận rộn và nhiều định kiến.
Tất nhiên, tiếp cận những cách truyền tải nội dung khác biệt không thể nhận được đồng tình của số đông song với Goodbye to Language, Jean-Luc Godard vẫn làm chủ đến phút cuối mà không bị… hoang tưởng theo các thể nghiệm cá nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận