16/10/2015 11:08 GMT+7

​10 nguyên tắc “vàng” tổ chức bữa ăn cho trẻ

THANH HUYỀN
THANH HUYỀN

TTO - "Không nên “nhét” thức ăn vào dạ dày trẻ, thay đổi nhận thức và thói quen dinh dưỡng mới là điều quan trọng. Bữa ăn của trẻ phải thật sự là một bữa ăn".

BS Đào Thị Yến Phi tư vấn cho phụ huynh tại ngày hội - Ảnh: HOÀNG HẢI

Đó là chia sẻ của BS Đào Thị Yến Phi - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - trong ngày hội dinh dưỡng "Bé khỏe - mẹ vui" do báo Sức khỏe và đời sống và công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam tổ chức hôm 15-10.

Tại ngày hội, bác sĩ đã tư vấn với các phụ huynh trong câu chuyện "đau đầu" với bữa ăn và dinh dưỡng của con trẻ.

Những thói quen xấu

Theo bác sĩ Yến phi, nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ thường hay gặp phải sai lầm mỗi khi tổ chức bữa ăn cho trẻ. Điều đễ nhận thấy hơn cả là tình trạng xem trẻ là vua, hạn chế khả năng chủ động của trẻ trong bữa ăn của mình.

Cho trẻ vừa ăn vừa xem quảng cáo hoặc vừa ăn vừa chơi game, trẻ nuốt thức ăn vào miệng nhưng vô thức. Các kiểu la mắng, dọa nạt, cầu khiến hay năn nỉ, dỗ dành khiến trẻ không còn có ý thức ăn cho chính nó mà ăn vì sợ bố mẹ buồn, ăn cho người khác…

Việc dắt trẻ ra ngoài đường cho ăn là hành vi không tốt, sân nhà, lối đi không phải là nơi dùng để tổ chức bữa ăn cho trẻ. Vậy nên, thay vì tổ chức bữa ăn đúng cách, hợp lý, nhiều bậc cha mẹ chỉ quan tâm làm thế nào để cho thức ăn vào bụng trẻ.

10 nguyên tắc “vàng”

Bác sĩ Yến Phi giúp các ba mẹ trong ngày hội hiểu các nguyên tắc để giúp bữa ăn của con mình thật vui.

1. Bữa ăn phải diễn ra ở bàn ăn. Các bậc phụ huynh cần phải định hướng trẻ tập trung nhiều hơn vào bữa ăn của mình. Điều đó sẽ giúp trẻ quen dần với môi trường của bữa ăn hàng ngày, không ăn vội, ăn cho xong.

2. Tập trung toàn bộ giác quan của trẻ vào bữa ăn, thức ăn và cách ăn. Nghĩa là mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi, cảm nhận qua sờ bốc thức ăn… Trẻ phải nhận thức được mình đang ăn gì, phải tiêu hóa được thức ăn chứ không phải chỉ cho thức ăn vào bụng. Phụ huynh nên thường xuyên đa dạng màu sắc, hình dạng thức ăn để kích thích điều này ở trẻ.

3. Thời gian của một bữa ăn tối đa là 30 phút. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng khoảng thời gian này không đủ để cho trẻ ăn. Tuy nhiên, vượt ngưỡng này trẻ thuộc diện biếng ăn vì thời gian trung bình tổ chức bữa ăn cho trẻ khoảng từ 15-20 phút.

Mỗi bữa ăn, các bậc phụ huynh phải chủ động cung cấp lượng thức ăn phù hợp với kích thước dạ dày còn non của trẻ (khoảng 200-250 ml, tương đương với một chén cơm). Cho trẻ ăn bổ sung thực phẩm dinh dưỡng trong khoảng thời gian ăn 30 phút nếu trẻ không ăn hết thức ăn của bữa ăn chính.

4. Cùng với bé, thưởng thức bữa ăn của bạn. Trẻ sẽ cảm thấy được quan tâm nhiều hơn khi luôn có người bên cạnh. Phụ huynh không nên để trẻ ngồi ăn một mình.

5. Không ăn giùm cho ai cả. Các bậc phụ huynh cần lý giải sự cần thiết của bữa ăn đối với bản thân trẻ, ăn cho chính trẻ. Nhận thức được điều này sẽ giúp trẻ chủ động trong bữa ăn của mình, không nuốt thức ăn vào bụng một cách vô thức.

6. Thông điệp liên quan đến bữa ăn. Điều này cần tôn trọng ba tiêu chí: chính xác, rõ ràng, nhất quán. Trẻ cần biết được bữa ăn quan trọng như thế nào đối với mình. Phụ huynh đưa ra các thông điệp nhằm khuyến khích tính hiếu kỳ, thích thú của trẻ với từng bữa ăn.

7. Giúp trẻ nhận thức về đúng, sai. Trẻ bộc lộ cảm xúc của mình ngay cả lúc ăn. Bằng lời nói hay phạt nghiêm đều ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Giúp trẻ nhận thức được như thế nào là đúng, là sai luôn quan trọng để tạo cảm giác thoải mái nhất, trẻ được quan tâm nhiều hơn về mặt tinh thần.

8. Cần tôn trọng đặc điểm cá nhân của trẻ. Trẻ thường có những xu hướng tâm sinh lý của cá nhân trong lúc ăn như: cười nhiều, hay nói chuyện với người bên cạnh, không thích ăn thức ăn này, thích ăn thức ăn kia… Các bậc phụ huynh cần nắm bắt nhu cầu và sở thích của con mình để đáp ứng điều đó nhưng lưu ý không nên xem “trẻ là vua”.

9. Cho trẻ tự bốc, xúc, gắp… Việc tạo dựng thói tự lập cho trẻ trong bữa ăn là điều cần thiết để trẻ có thể làm những việc mà mình yêu thích. Hãy để trẻ tự ăn theo ý của mình, nhiều hay ít, nhanh hay chậm, ăn bằng tay hay ăn bằng muỗng trong một chừng mực nhất định.

10. Cho trẻ một bữa ăn vui. Hãy tỏ ra thoải mái, vui vẻ trong lúc cho trẻ ăn. Nói chuyện và làm bạn đồng hành với trẻ. Đừng hối thúc, đừng la mắng, đừng nói quá nhiều, đừng bỏ đi nơi khác, đừng xem tivi và bỏ lơ trẻ. Chính những điều này sẽ tạo cho bé suy nghĩ bữa ăn với mình thật sự “khủng khiếp”.

Những lúc bé thèm ăn vẫn nên đáp ứng để bổ sung năng lượng kịp thời cho trẻ nhưng ở mức độ vừa phải. Vì việc cho trẻ ăn bữa lỡ quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bỏ ăn ở bữa ăn chính. Việc cho trẻ ăn thêm vào lúc khuya nên lựa chọn loại thực phẩm tốt nhất cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Chuyên gia tư vấn dinh dưỡng Huỳnh Thị Mỹ Lệ

 

 

THANH HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên