21/12/2019 08:38 GMT+7

10 ngày nữa, buộc phải chọn 1 trong 2: hoặc bia rượu, hoặc lái xe

TRẦN KIÊM HẠ
TRẦN KIÊM HẠ

TTO - Từ 1-1-2020 luật 'cấm rượu bia khi lái xe' có hiệu lực. Kể từ giờ khắc đón giao thừa năm 2020, người dân phải chọn: đã uống bia rượu thì không lái xe; hoặc lái xe - dù là xe đạp - cũng không được uống một giọt bia rượu.

Với thói quen uống rượu bia như bao năm qua, luật mới đặt ra thử thách cho cả cơ quan thực thi pháp luật lẫn người dân.

Luật mới về bia rượu khi lái xe thật ngặt nghèo: cấm tiệt, không còn quy định nồng độ cồn trong máu trên ngưỡng mới vi phạm như trước và mở rộng các đối tượng khi tham gia giao thông.

Nhưng không dễ để thay đổi thói quen uống rượu bia của người dân. Ông bà ta có câu: "Vô tửu bất thành lễ" (rượu không thể thiếu trong mọi nghi thức cúng kính, hiếu hỉ). Ngày xuân, chúc nhau chén rượu là tập quán của người dân. 

Câu thành ngữ "trà tam tửu tứ" nói lên thói quen uống rượu của dân ta, càng đông càng vui. Ngày nay, việc dùng bia rượu của lớp trẻ cũng thành "nếp", thích là uống, hết giờ làm là lai rai. Đã uống là phải so tài, nài ép nhau uống đến xỉn mới thỏa. 

Ở đô thị, chiều đến là quán nhậu chật người, các nhà hàng, tiệc cưới... đông đúc không kém. Không khí luôn rôm rả, nài ép nhau uống từ khi khai tiệc đến mãn tiệc và rồi phần đông tự lái xe về nhà. "Về được mà, yên tâm, không xỉn đâu" - dân nhậu thường nói với nhau khi lái xe về nhà.

Nhưng luật đã ban hành, phải tuân thủ. Bằng cách nào? Phải thay đổi thói quen. Thay đổi được không, khi nào mới thay đổi? Chưa ai trả lời được vì còn tùy thuộc vào việc thực thi pháp luật và sự tự giác chấp hành của người dân.

Thật khó. Bởi người Việt chưa quen đã uống bia rượu phải nhờ người khác đưa về nhà. Cũng chẳng mấy ai có men rượu trong người lại nghỉ ngơi tại chỗ cho tỉnh táo rồi mới lái xe về nhà. 

Hay đi đám cưới, chẳng lẽ vợ phải chở chồng về, vào tiệc cưới chẳng lẽ không nâng cốc rượu chia vui...

Nhưng tới đây, mọi thứ phải thay đổi. Sau cuộc nhậu, phải nhờ xe ôm, taxi đưa về nhà, trước mắt chưa quen nhưng phải tính đến.

Biết là khó, nhưng dứt khoát không để xảy ra tình trạng luật cấm nhưng vẫn cứ lái xe khi có rượu bia. 

Vì vậy, để mọi người "tâm phục khẩu phục", không ca cẩm khi bị xử phạt, hoặc đối phó với cơ quan thực thi pháp luật, phải tuyên truyền về quy định cấm rượu bia thật sâu, thật thuyết phục. 

Phải giúp người dân hình thành thói quen không uống rượu bia nếu phải lái xe, cách xử lý tình huống khi đã lỡ vài ly phải nhờ đến sự "trợ giúp" để về nhà. 

Thậm chí phải vận dụng nhuần nhuyễn điều luật "cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia" như một sự phối hợp, chia lửa để thực thi điều luật không bia rượu khi lái xe.

Chỉ còn hơn mươi ngày nữa là luật cấm rượu bia khi lái xe có hiệu lực, nhưng đến lúc này xã hội chưa có sự chuẩn bị cho thay đổi này. Đừng chậm trễ hơn nữa. Thay đổi thói quen xấu đã khó, thay đổi thói quen dùng rượu bia càng khó hơn. 

Nhưng làm được rất có ích không chỉ cho mỗi người, từng gia đình mà cả xã hội. Làm sao xóa "kỷ lục" 60-70% vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia, kéo giảm được số người thương vong do say xỉn nhưng vẫn lái xe. 

Hãy tận dụng "điều luật lịch sử" để thay đổi thói quen xấu về rượu bia. Đó là thử thách cho tất cả mọi người.

Thăm dò ý kiến

Từ 1-1-2020 luật cấm rượu bia khi lái xe có hiệu lực. Bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Cấm ép uống bia rượu: cần thiết nhưng cấm được không? Cấm ép uống bia rượu: cần thiết nhưng cấm được không?

TTO - Từ ngày 1-1-2020, Luật phòng chống tác hại của rượu bia, Luật chăn nuôi, Luật thi hành án dân sự... có hiệu lực. Điểm mới của các điều luật trên là có những quy định mang tính nhân văn, nhân đạo, rất tiến bộ... sẽ được áp dụng.

TRẦN KIÊM HẠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên