Tác phẩm Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: T.ĐIỂU
Lần đầu tiên, bức tranh sơn dầu có kích thước lớn, 190 x 490cm, vẽ trên toan liền khổ về chủ đề chiến đấu và chiến thắng Điện Biên Phủ được giới thiệu tới khán giả Hà Nội từ chiều 7 đến 20-5 tại nhà bảo tàng Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Đây là kết quả của 10 năm (2011 - 2021) làm việc không mệt mỏi của họa sĩ Mai Duy Minh. Bức tranh có tiêu đề Điện Biên Phủ là một trong hai bức tranh chính của triển lãm. Bức thứ hai có tiêu đề Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được họa sĩ hoàn thành trong vòng 4 năm, từ 2017 - 2021.
Ngoài ra, triển lãm còn có 86 ký họa chì, bút bi, bút sắt và phác thảo chì, sơn dầu ở nhiều kích thước khác nhau mà họa sĩ đã thực hiện trong hành trình dài thực hiện dự án.
Bức Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Mai Duy Minh không lựa chọn vẽ chân dung đại tướng khi còn trẻ khỏe, phong độ vào thời điểm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, mà vẽ Đại tướng khi đã về già, một gương mặt đầy khí chất nhưng bóng thời gian đã phủ lên dáng hình ông.
Còn với bức Điện Biên Phủ, trung tâm của bức tranh là hai người lính trong đội quân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Người cầm cờ tiên phong vừa gục ngã, trong bàn tay giơ lên vẫn còn cầm tấm ảnh nhỏ là chân dung của một người phụ nữ. Người đi sau lập tức nắm lấy lá cờ lỗ chỗ những vết đạn, giương cao dẫn đội quân tiến lên phía trước. Bên kia là lính Pháp đang giơ tay xin hàng...
Chiến thắng Điện Biên Phủ trong tranh cho cảm giác chân thực, xúc động và sâu sắc. Những người lính mang dáng hình có phần gầy gò của những người lính nông dân quyết tâm đánh giặc bảo vệ những người thương ở hậu phương, bảo vệ đất nước.
Họa sĩ Mai Duy Minh bên tác phẩm Điện Biên Phủ - Ảnh: T.ĐIỂU
Mai Duy Minh chia sẻ anh cố gắng đem đến cảm nhận chân thực nhất về một sự kiện lịch sử trong tác phẩm của mình. Đó là chiến tranh, là máu lửa, là đau thương chứ không chỉ là niềm vui của anh bộ đội về làng, khoảnh khắc những cô gái tóc dài nở nụ cười thật tươi tay cầm hoa vẫy chào đoàn quân chiến thắng.
Tác phẩm kể với người xem một hiện thực rằng dân tộc Việt Nam đã phải hy sinh rất nhiều để có được chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu.
Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng tác phẩm này dù vẽ theo ngôn ngữ hiện thực nhưng không bị chi phối bởi phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa mang màu sắc ngợi ca một chiều.
"Hình tượng người lính phất lá cờ bị rách vì bom đạn, những người nông dân gầy gò, hình thể nhuốm đầy khói súng rất khác với những hình tượng vạm vỡ, cường tráng được ca ngợi trước đây", ông Thông nói.
Một thành công nữa của tác giả, theo ông Thông, là không sử dụng nhiều nhân vật trong bức tranh lớn nhưng lại cho người xem thấy cả một chiến trường rộng lớn, khốc liệt, đậm đặc câu chuyện.
Dưới con mắt của một người làm nghề, ông đánh giá cao khi Mai Duy Minh đã vượt qua thách thức rất lớn với người họa sĩ để đạt được khả năng bao quát tổng thể ở bức tranh sơn dầu khổ lớn.
Ông Thông nhận định bức tranh xứng đáng treo ở một bảo tàng tầm cỡ quốc gia, bởi tác phẩm hội họa thành công về đề tài Điện Biên Phủ đến nay rất hiếm hoi.
Hàng ngàn phác thảo trong 10 năm
Mai Duy Minh cho biết lý do chọn đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ là bởi chiến thắng chấn động địa cầu ấy đã lùi xa nhiều năm nhưng đến nay tác phẩm hội họa về đề tài này khá ít, chỉ còn bức Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (1963) của Nguyễn Sáng được biết đến nhiều.
Anh tự đặt câu hỏi cho mình: "Có vẻ như đề tài lịch sử không nhận được sự quan tâm thỏa đáng của các họa sĩ. Đó là sự thiếu sót và tôi muốn bù vào sự thiếu sót đó".
Trong hành trình 10 năm hoàn thành tác phẩm Điện Biên Phủ, Mai Duy Minh đã đọc rất nhiều tài liệu về trận chiến này, đi vào các bảo tàng, cố gắng tìm kiếm các câu chuyện từ nhân chứng...
Hàng ngàn bức phác thảo đã ra đời. Anh phác thảo cho từng nhân vật, từng thế dáng, loại vũ khí chiến tranh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận