TTCT - Cách đây mười năm, cuộc tấn công khủng bố 11-9 đặt người Mỹ trước một câu hỏi không có sẵn lời đáp: “Vì sao họ căm ghét chúng ta?”, và một thử thách cấp thiết - chinh phục lại trái tim của thế giới. Hành trình ngoại giao nhân dân của Mỹ có thành công trong mười năm qua? Phóng to Từ những năm đầu thế kỷ 20, Tổng thống Woodrow Wilson đã thành lập một ủy ban thông tin công chúng để truyền bá tin tức ra ngoài biên giới nước Mỹ trong Thế chiến thứ 1. Đến Thế chiến thứ 2, Tổng thống Franklin D. Roosevelt chỉ đạo mở phòng thông tin thời chiến và phát đi bản tin đầu tiên của Đài phát thanh Hoa Kỳ (VOA) tại châu Âu vào tháng 2-1942. Năm 1948, Quốc hội Mỹ chính thức phê chuẩn các hoạt động mà Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành trong suốt thập niên 1940. Đến năm 1953, Cơ quan Thông tin Mỹ (USIA) ra đời dưới thời Tổng thống Eisenhower, trở thành cơ quan đầu não thiết kế các hoạt động ngoại giao nhân dân giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới. Đến năm 1994, ngân sách cho việc nâng cao hình ảnh nước Mỹ tăng đến gần 1,5 tỉ USD. Tuy nhiên, từ giữa thập niên 1990, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô, giới chức Mỹ bắt đầu lơ là các nỗ lực ngoại giao nhân dân. Năm 1999, Quốc hội Mỹ bỏ phiếu loại bỏ USIA, đẩy các hoạt động trao đổi thông tin xuống hàng thứ yếu so với các hoạt động chính trị và quân sự, cắt giảm đáng kể ngân sách cho loại hình ngoại giao này. Vì sao ngoại trưởng Colin Powell lên MTV? Ngoại giao nhân dân bao gồm các hoạt động trao đổi giáo dục, văn hóa, truyền bá thông tin trên phạm vi quốc tế nhằm gây ảnh hưởng đến quan điểm của người dân trên thế giới về nước Mỹ. Các hoạt động trong khuôn khổ ngoại giao nhân dân thuộc về ba chương trình chính: Chương trình thông tin quốc tế (IIP), Phòng giáo dục và văn hóa (ECA) và Chương trình phát thanh quốc tế. Sự kiện 11-9 đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn của các nhà hoạch định chính sách Mỹ về tầm quan trọng của ngoại giao nhân dân. Nhiều người dân Mỹ còn nhớ hình ảnh vào tháng 2-2002, ngoại trưởng thời đó, Colin Powell, xuất hiện trên kênh truyền hình MTV để trả lời các câu hỏi của giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới về việc nước Mỹ đại diện cho những giá trị gì (tại thời điểm đó, MTV phủ sóng 63 quốc gia, có lượng khán giả lên đến 375 triệu người). Sự có mặt của người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ tại một vị trí được xem là đại diện cho “văn hóa quần chúng” toàn cầu đánh dấu sự khởi đầu của những chuyển biến chính sách đối ngoại Mỹ sau năm 2001. Đến năm 2004, Quốc hội Mỹ phê chuẩn Đạo luật ngăn ngừa khủng bố và cải tiến tình báo, trong đó có điều khoản về tăng cường các hoạt động ngoại giao nhân dân tại những quốc gia Hồi giáo. Những năm đầu sau sự kiện 11-9, số lượng sách báo từ Mỹ phát hành bằng tiếng Ả Rập tăng gấp ba lần, ngân sách chung cho các hoạt động liên quan tăng lên trên 8 triệu USD/năm. Các chương trình trao đổi văn hóa và giáo dục giữa Mỹ và khối Hồi giáo - Ả Rập được dành ưu tiên hàng đầu với tổng ngân sách 84 triệu USD. Đài VOA cũng tăng cường đột biến các chương trình phát sóng bằng nhiều ngôn ngữ Arab, Farsi, Tajik... tại vùng địa lý được coi là “điểm nóng” đối với nước Mỹ. Xưa rồi, “cây gậy và củ cà rốt” Trong khi đó, viện trợ tài chính (theo học thuyết “cây gậy và củ cà rốt” vốn thịnh hành trong giới hoạch định chính sách Mỹ) không còn là phương cách hiệu quả nhất để thu phục lòng người. Chủ tịch Ủy ban 11-9 Thomas Kean cho biết Ai Cập là quốc gia nhận viện trợ lớn thứ hai trên thế giới của Mỹ, tuy nhiên trưng cầu dân ý tại nước này cho thấy chỉ 15% người dân là có cảm tình với Mỹ. Số liệu năm 2006 của Dự án thái độ toàn cầu thuộc Viện nghiên cứu Pew tại Mỹ cho thấy cảm tình của người dân thế giới đối với Mỹ sụt giảm liên tục kể từ đầu đến giữa thập niên 2000, kể cả tại các quốc gia đồng minh của Chính phủ Mỹ như Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Báo cáo của Cơ quan nghiên cứu nghị viện Mỹ phải thừa nhận “một số lượng đáng kể người dân thế giới, đặc biệt là người Hồi giáo” căm ghét nước Mỹ vì những biểu hiện “lời nói không đi đôi với việc làm” của chính phủ nước này. Giới ngoại giao Mỹ đang tìm cách ước định tính hiệu quả của các hoạt động ngoại giao nhân dân hậu 11-9. Năm 1963, giám đốc USIA Eward R. Murrow - nhà báo Mỹ từng nổi tiếng với chương trình phát thanh tường thuật diễn biến thế chiến năm 1940 - tuyên bố: “Để thuyết phục được (người khác), chúng ta phải làm cho họ tin tưởng; để làm cho họ tin tưởng, chúng ta phải tăng độ tin cậy của bản thân; để tăng được độ tin cậy, chúng ta phải thành thật - chỉ đơn giản thế thôi”. Bài học “đơn giản” cách đây nửa thế kỷ cho đến giờ vẫn là thách thức mà nước Mỹ đang phải vượt qua. Sự kiện 11-9 đã cuốn cả thế giới vào guồng quay của cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ khởi phát. Giáo sư chính trị Graham Wilson của ĐH Boston, Mỹ có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần nhìn lại ảnh hưởng của sự kiện này. Phóng to Giáo sư Graham Wilson - ẢnhL T.Tuấn * Thưa giáo sư, đâu là ảnh hưởng lớn nhất của sự kiện 11-9 đối với thế giới? Dường như chính sách đối ngoại Mỹ, và phần nào là thế giới, trong suốt thập kỷ qua đã bị chi phối bởi sự kiện này? - Tôi nghĩ sự kiện đó có ảnh hưởng rất lớn nhưng cần phải thấy chính cách nhìn nhận của chính quyền Bush sau khi sự kiện xảy ra đã đưa lịch sử theo hướng đi khác. Chính tổng thống G.Bush nhìn nhận vụ tấn công là hành động chiến tranh thay vì chỉ là hành động phạm tội - điều này đẩy nước Mỹ vào con đường can dự quân sự lâu dài và tốn kém. * Có nghĩa nếu tổng thống G.Bush chỉ coi đó là hành vi phạm tội thì hành động đáp trả của Mỹ sẽ ở quy mô nhỏ hơn? Điều đó có vẻ khó xảy ra nếu nhìn vào dư luận Mỹ lúc đó... - Tôi đồng ý. Nhưng Mỹ sẽ ít bị sa lầy vào tâm lý chiến tranh và có thể linh động hơn trong cách đáp trả, ví dụ như dùng lực lượng đặc nhiệm săn đuổi Bin Laden thay vì tiến hành cuộc xâm lược tổng lực. Khả năng can dự quân sự vào Iraq cũng ít hơn, ít các hành vi xé rào hơn. * Mười năm vừa rồi dường như là thập niên bị đánh mất của nước Mỹ khi vị trí của họ suy giảm ở mọi khu vực trên thế giới: Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương... Ông có nghĩ điều này là do hậu quả trực tiếp của 11-9? - Không. Tôi nghĩ nguyên nhân căn bản đối với sự suy giảm của Mỹ vẫn là kinh tế và sự bất lực của hệ thống chính trị nội tại khi giải quyết các vấn đề này. * Ông không nghĩ cuộc chiến chống khủng bố là nguyên nhân cốt lõi của các khủng hoảng mà nước Mỹ đang đối mặt: nợ quốc gia khổng lồ, khủng hoảng kinh tế, sa lầy quân sự lâu dài ở Iraq, Afghanistan - Pakistan...? - Lần nữa tôi nhấn mạnh rằng các khủng hoảng này là do nguyên nhân kinh tế - không kiểm soát các cơ chế tài chính hiệu quả trước năm 2008, các xung đột chính trị nội bộ khi giải quyết khủng hoảng và việc các chính trị gia không dám nói thẳng với người dân Mỹ rằng nếu họ muốn các chương trình hỗ trợ của chính phủ thì họ phải nộp thêm thuế. * Chính sách nước Mỹ trong những năm 1990 là sự chuyển giao từ tư duy chiến tranh lạnh sang tư duy toàn cầu hóa. Rồi trong thập niên đầu của thế kỷ 21 lại mắc kẹt trong cuộc chiến chống khủng bố. Liệu nước Mỹ có vượt qua được sự sa lầy tư duy này? - Tôi tin là chính quyền Obama đang làm điều đó. Có thể thấy điều này qua cách ứng phó thận trọng của Washington với vấn đề Libya. * Giới phân tích bắt đầu nói về sự suy vong của nước Mỹ - giống như rất nhiều đế chế khác trong lịch sử. Ông nghĩ sao về nhìn nhận này? - Chúng ta cần phân biệt sự thay đổi về trật tự thực lực kinh tế và quân sự với “sự suy vong của nước Mỹ”. Nước Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, rất năng động và sáng tạo trên nhiều khía cạnh và đương nhiên không nước nào có sức mạnh quân sự tương đương Mỹ. Thu nhập bình quân đầu người của người Mỹ giờ gấp khoảng mười lần Trung Quốc. Vì vậy, dù có sự chuyển dịch về tương quan lực lượng, nước Mỹ vẫn đang cực kỳ mạnh. Cần nhớ rằng sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ đột nhiên trở thành siêu cường đơn độc - một sự chi phối chưa từng có kể từ thời La Mã. Một số thay đổi về cán cân lực lượng sau thời kỳ bất thường đó là đương nhiên. * Trật tự dường như đang chuyển sang hệ thống lưỡng siêu cường cùng với nhiều cường quốc nhỏ xung quanh, như các thành viên của nhóm BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc). - Tôi đồng ý là có sự thay đổi cán cân lực lượng. Nhưng rất hiếm khi có một siêu cường nào duy nhất mạnh như Mỹ trong những năm 1990. Ngay trong thời đế chế Anh chi phối thì xung quanh họ vẫn có các cường quốc như Pháp, Nga, Phổ... Vì vậy việc có nhiều cường quốc xung quanh là điều bình thường trong lịch sử. Và hiện tại thì không có thành viên nào trong khối BRIC có sức mạnh tổng thể cả về quân sự, kinh tế và tài chính như Mỹ. * Cuộc chiến chống khủng bố thay đổi thế nào sau cái chết của Osama Bin Laden? Liệu đó có là kết thúc cho cuộc chiến? Dường như Mỹ đang rất khó để rút hẳn ra khỏi Iraq và Afghanistan - Pakistan, hai cuộc chiến như hai lỗ đen hút chửng nhanh chóng tiền tài và nguồn lực nước Mỹ? - Tôi đồng ý sẽ rất khó rút ra hoàn toàn lúc này, nhưng tôi vẫn tin các khó khăn kinh tế của Mỹ không hoàn toàn là do chi phí của chiến tranh. Nước Mỹ đang thất bại về kinh tế chứ không phải bị các đối thủ bên ngoài đánh bại. * Xin cảm ơn giáo sư. 9g tối 20-9-2001 trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống George W. Bush tuyên chiến với nạn khủng bố quốc tế. Với việc tiêu diệt Bin Laden cùng các phó tướng của thủ lĩnh này trước và sau đó, Tổng thống Barack Obama coi như đã kết thúc thắng lợi cuộc chiến chống khủng bố. Thế nhưng, thực tế không đơn giản như thế. Thật vậy, bài diễn văn tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố ấy, do Michael Gerson - hiện là bình luận viên của tờ Washington Post - viết, nay đã “lạc hậu” so với thực tế và cả công luận Mỹ, dù hôm đó sau khi đọc xong ông Bush khen rằng: “Đời tôi, chưa bao giờ tôi cảm thấy “đã” như thế!” (1). Tối hôm đó, ông được cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ cùng công luận Mỹ tán thưởng khi lần đầu tiên dùng đến cụm từ và khái niệm “cuộc chiến chống khủng bố” (2). Tổn thất sinh mạng và công nợ Michael Gerson đã giúp tổng thống Bush giải thích với dân chúng Mỹ ai là thủ phạm vụ khủng bố đẫm máu hôm 11-9 khiến trên 3.000 người thiệt mạng: “Chứng cứ mà chúng tôi thu thập được đều tập trung vào một nhóm tổ chức khủng bố liên kết lỏng lẻo dưới tên gọi là Al Qaeda. Nhóm này cùng thủ lĩnh của chúng, một kẻ tên là Osama Bin Laden, gắn với nhiều tổ chức khác tại nhiều nước khác nhau, kể cả nhóm Hồi giáo Jihad Ai Cập và Phong trào Hồi giáo ở Uzbekistan. Có cả ngàn tên khủng bố như vậy tại hơn 60 nước. Chúng được tuyển mộ từ trong nước của chúng hoặc các nước láng giềng và được đưa vào trong các trại ở những nơi như Afghanistan, ở đó chúng được huấn luyện chiến thuật khủng bố...” (3). Sự ủng hộ của lưỡng đảng không chỉ bằng ngôn từ, mà còn đồng ý cấp ngay 40 tỉ USD cho việc tái thiết các cộng đồng và đáp ứng nhu cầu của quân nhân. Bảng đồng hồ điện tử chỉ chi phí chiến tranh đang quay tít ở trên ngưỡng 1.243 tỉ USD (trưa 2-9-2011), trong đó chi cho chiến tranh Afghanistan hơn 450 triệu USD, cho chiến tranh Iraq trên 793 triệu. Chỉ trong vòng mười năm, chi phí chiến tranh từ 40 tỉ lên trên 1.243 tỉ USD quả là quá hao tốn nếu biết rằng số nợ nơi Trung Quốc cũng chỉ chừng đó (1.159,8 tỉ USD). Thế nhưng, nghiên cứu của một nhóm học giả Đại học Brown (Mỹ) tự gọi là nhóm Dự án chi phí chiến tranh (Cost of wars project) đã đưa ra một con số khiếp đảm hơn: “Chi phí chiến tranh Afghanistan, Iraq và Pakistan ước tính khoảng 225.000 nhân mạng, trong đó hơn 31.000 quân nhân và nhân viên quốc phòng, kể cả của lực lượng an ninh Iraq và Afghanistan cùng các quân lực đồng minh của Mỹ. Ước tính khiêm tốn cũng có khoảng 137.000 thường dân bị giết ở Iraq và Afghanistan, 7,8 triệu người Iraq, Afghanistan và Pakistan phải tị nạn. Do lẽ các cuộc chiến tranh này hầu hết được chi bằng tiền đi vay nên đã có 185 tỉ USD được dùng vào việc trả lãi vay, và đến năm 2020 số tiền lãi phải trả sẽ lên đến 1.000 tỉ USD. Chính quyền liên bang sẽ còn phải chi cho các cựu quân nhân này 600-900 tỉ USD” (4). Các tác giả nghiên cứu giải thích công việc của họ là do lẽ “thông tin về các cuộc chiến tranh này là sinh tử đối với tính dân chủ của việc ra quyết định về chính sách đối ngoại. Biết được chi phí hiện tại của chiến tranh là điều rất cần thiết đối với dân chúng, quốc hội và tổng thống để có thể cân nhắc việc cắt giảm binh sĩ ở Afghanistan...” (5). 10 bài học của Hội đồng đối ngoại Mỹ Nếu ai đó hoài nghi cho rằng các học giả của nhóm dự án trên là tả khuynh phản chiến, thì “10 bài học từ vụ 11-9” của Hội đồng đối ngoại Mỹ (Council on Foreign Relations, CFR) nhất định là chính thống bậc nhất, do lẽ CFR mang tính định chế trong công tác nghiên cứu hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ. Một trong những bài học mà các học giả của CFR (xem bảng) rút ra là “bài học Afghanistan và Pakistan” do Daniel Markey chấp bút. Đánh giá của Daniel Markey tàn nhẫn y hệt thực tế mô tả: “Một chục năm sau vụ 11-9, nước Mỹ vẫn còn lâm chiến tại Afghanistan và cứ phải lảo đảo từ cuộc khủng khoảng này sang cuộc khủng hoảng khác với Pakistan. Bin Laden đã chết, Al Qaeda đã yếu, song thập niên qua của Mỹ tại Nam Á thì đầy những sai lầm. Thành công quá ít ỏi, song lại phải trả giá nghiêm trọng. Thập niên qua tại Afghanistan đã thuyết phục nhiều người Mỹ về sự ngông cuồng của hành động can thiệp của Mỹ. Còn kinh nghiệm Pakistan thì cho thấy đồng tiền đôi khi chẳng mua được cả sự hợp tác lẫn cảm tình”. Về kinh nghiệm “đồng tiền chẳng mua được gì”, bất cứ đồng minh nào từng nhận viện trợ quân sự của Mỹ đều có thể trải qua. Gần đây nhất là cựu tổng thống Musharraf ở Pakistan hoặc ông Mubarak liệt giường vẫn phải nằm cáng ra tòa ở Ai Cập... Đối với Robert Danin, để chống khủng bố, cơ bản phải giải được bài toán chính sách đối với thế giới Hồi giáo. Theo tác giả này, nước Mỹ “đã thất bại trong truyền thông với thế giới Hồi giáo, bắt nguồn từ sự hiểu lầm sâu sắc” (6), cho dù sau này ông Obama đã cất công bay sang Cairo, đến Đại học Al Azhar đọc bài diễn văn “một sự khởi đầu mới”. Thế nhưng, thái độ của thế giới Hồi giáo đối với nước Mỹ cơ bản vẫn không thay đổi. Đại đa số người Hồi giáo, theo một thăm dò của Đại học Maryland và Tổ chức Zogby International gần đây, vẫn còn giữ thái độ “rất ư là không thuận lợi” đối với nước Mỹ. Hai năm đã trôi qua kể từ sau bài diễn văn Cairo, số ý kiến thuận tình với ông Obama trong khắp thế giới Ả Rập chỉ khoảng 10% hoặc còn thấp hơn, thậm chí năm 2011 còn kém hơn năm 2008! Bốn tháng sau khi ông Obama trịnh trọng loan báo với “dân chúng Mỹ và thế giới rằng nước Mỹ đã tiến hành một chiến dịch quân sự kết liễu Bin Laden, thủ lĩnh của Al Qaeda, và là một kẻ khủng bố chịu trách nhiệm vụ sát hại hàng ngàn người vô tội...”, cục diện chống khủng bố cứ “vũ như cẩn”! Mới đây Nhà Trắng đã gửi thông báo nội bộ cho các cơ quan chính quyền Mỹ trong nước và hải ngoại dặn dò khi tổ chức tưởng niệm mười năm sự kiện 11-9, hãy “nhắc đến Al Qaeda một cách tối thiểu mà thôi”, ngược lại hãy nhắc rằng “Al Qaeda chẳng hề đóng vai trò gì trong Mùa xuân Ả Rập”! Bin Laden chết vô ích! Chiếc trực thăng Blackhawk đời mới tàng hình rơi một cách vô ích trong chiến dịch đó và càng vô ích khi bí mật của nó lọt vào tay ngoại nhân! Gần 1.300 tỉ USD cũng vô ích theo! __________ (1, 2, 3) President Bush Declares War on Terror Speech to a Joint Session of Congress, Sept. 20, 2001, By Pierre Tristam(4, 5) http://news.brown.edu/pressreleases/2011/06/warcosts(6) 9/11 Lessons: Outreach to the Muslim World -http://www.cfr.org/united-states/911-lessons-outreach-muslim-world/p25675 Giọt lệ thương đau Ngày 11-9-2001, bọn khủng bố điều khiển máy bay cướp được đã đồng loạt tấn công Hoa Kỳ: hai chiếc đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, một chiếc vào Lầu Năm Góc ở Washington, chiếc thứ tư rơi ở bang Pennsylvania. Ngày 15-7-2002, việc tìm kiếm di hài nạn nhân của vụ khủng bố mới kết thúc. Tổng cộng có hơn 3.000 người chết, khoảng 6.000 người bị thương. Phóng to “Giọt lệ thương đau” - tượng đài của Zurab Tsereteli tặng nhân dân Hoa Kỳ - Ảnh: caterpillarfamily.blogspot.com Riêng ở New York, tổng số nạn nhân gồm 2.819 người thuộc hơn 80 nước trên thế giới. Được biết, 157 người thiệt mạng trong hai chiếc máy bay đâm vào tháp đôi. Ngoài ra, 343 cảnh sát chữa cháy đã hi sinh. Nhờ phân tích mẫu ADN, 1.102 nạn nhân đã được người thân nhận về. Thống kê về các nạn nhân cho biết: bình quân độ tuổi là 40; 8/10 là nam giới; thành phần chủ yếu là những người lao động trí óc - từ lập trình viên, nhân viên ngân hàng đến nhân viên hãng bảo hiểm - và có nhiều người đang ở đỉnh cao sự nghiệp; khoảng mười nạn nhân là lãnh đạo, sáng lập viên hoặc chủ tịch tập đoàn; có ít nhất 59 nạn nhân là phó chủ tịch tập đoàn. Trong số nạn nhân đã được nhận dạng, có 15 người dưới 21 tuổi, trong số này có ba cháu bé mới được 3 tuổi. Ngày 11-9-2006, tại bờ sông Hudson (bờ bên kia là tượng Nữ thần Tự do) đã diễn ra lễ khánh thành đài tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố 11-9-2001, tác phẩm của nhà tạc tượng Zurab Tsereteli, chủ tịch Viện Hàn lâm Mỹ thuật Nga, tặng nhân dân Hoa Kỳ. Hướng về nơi trước kia là tòa tháp đôi, tượng đài cao hơn 30m, nặng hơn 170 tấn, có tên “Giọt lệ thương đau”, gồm một khối đồng bị nứt giữa, ngụ ý tháp đôi bị đổ, và tại chỗ nứt nhỏ xuống một giọt nước mắt dài 12m bằng thép. 10 bài học từ vụ 11-9 1. Chính sách nhập cảnh cần dễ dàng hơn: việc siết chặt biên giới Mỹ và chính sách nhập cảnh đã quét sạch cả những vị khách có thể góp phần làm đất nước thêm hùng cường (tác giả: Edward Alden). 2. Cải cách tình báo đang hữu hiệu: việc đầu tư mạnh cho an ninh đã đem lại kết quả là thu thập tin tình báo tốt hơn, tuần tra tốt hơn... khiến khả năng tấn công của Al Qaeda rất mong manh (Richard K. Betts). 3. Hãy tập sống trong sự bất an: tuy vẫn có thể ngừa chặn khủng bố, song vẫn không thể loại bỏ hẳn được (Stephen Biddle). 4. Tại sao các vụ tấn công đã không xảy ra nữa? Muốn hay không muốn, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng thừa nhận rằng chống khủng bố có hiệu quả (Max Boot). 5. Cần cải thiện cách đối thoại với thế giới Hồi giáo (Robert Danin). 6. Một quê nhà an toàn hơn, nếu như Mỹ duy trì một nỗ lực chống khủng bố mạnh mẽ tương xứng ở hải ngoại (Richard A. Falkenrath). 7. Bảo vệ an toàn cho các cơ sở hạt nhân vẫn chưa đầy đủ, cần gia tăng nỗ lực (Michael A. Levi). 8. Một thập niên sai lầm ở Afghanistan và Pakistan (Daniel Markey). 9. Chính sách giam giữ bị tê liệt sau vụ nhà tù Guantanamo (Matthew C. Waxman). 10. Thận trọng hơn với các máy bay không người lái: các máy bay không người lái giúp giảm thiểu tổn thất, song chính việc sử dụng này sẽ khiến các nước khác bắt chước hoặc bị đối thủ đánh trả (Micah Zenko). Tags: Khủng hoảng kinh tếKhủng bốNgười MỹColin Powell119
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Mặt bằng cho thuê đìu hiu, vì sao? THẢO THƯƠNG 28/12/2024 Đang dịp cuối năm nhưng nhiều mặt bằng kinh doanh ở TP.HCM vẫn 'cửa đóng then cài'. Tại Hà Nội cũng ghi nhận nhiều mặt bằng còn trống.
Tuyển Việt Nam đừng quá phụ thuộc vào Xuân Son NGUYÊN KHÔI 28/12/2024 Chiến thắng 2-0 trước Singapore ở trận bán kết lượt đi giúp tuyển Việt Nam có ưu thế cho trận lượt về trên sân Việt Trì vào ngày 29-12 tới.
Tin tức sáng 28-12: Quy định mới về đăng ký tạm trú; Đề xuất mở rộng địa điểm cấm hút thuốc lá TUỔI TRẺ ONLINE 28/12/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quy định mới về đăng ký thường trú, tạm trú; Lập 2 bãi xe tạm gần ga Bến Thành; Đề xuất mở rộng địa điểm cấm hút thuốc lá...
Bỗng dưng phải 'gánh nợ' vì bị đánh cắp thông tin cá nhân DANH TRỌNG 28/12/2024 Đường dây tội phạm này lấy thông tin cá nhân một số người dân, dùng các thủ đoạn lập hồ sơ vay vốn khống khiến nhiều người bỗng dưng phải 'gánh nợ'.