Năm 2012, Luật Giáo dục đại học được ban hành. Nội dung luật đề cập đến kiểm định chất lượng giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó đã ban hành các quy định liên quan cũng như bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Năm 2013, hai trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đầu tiên được thành lập. 10 năm sau, cả nước có 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Trong đó có năm trung tâm công lập trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học, hai trung tâm kiểm định tư là Thăng Long và Sài Gòn.
Các trung tâm này có chức năng kiểm định cơ sở giáo dục cũng như chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm.
Bện cạnh các trung tâm kiểm định trong nước, năm 2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép ba tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam gồm: FIBAA, AQAS và ASIIN. Năm 2022 công nhận thêm tổ chức AUN-QA.
Ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng có các quy định và trung tâm kiểm định. Tuy nhiên các đơn vị kiểm định giáo dục nghề nghiệp không nằm trong nội dung bài viết này.
Theo báo cáo tổng kết tuyển sinh năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 330 cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm.
Trong khi đó, thống kê đến ngày 31-10-2023 cho thấy mới chỉ có 207 cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục. 123 cơ sở còn lại chưa kiểm định hoặc chưa được công nhận đạt chuẩn.
Trong số này, có 9 trường đại học thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo tiêu chuẩn nước ngoài, phần lớn là các trường khối kỹ thuật. Các tổ chức kiểm định nước ngoài đã kiểm định các trường tập trung vào HCERES, AUN-QA.
Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục có giá trị trong 5 năm và nhiều trường đại học đã hết thời gian công nhận. Số lượng cơ sở giáo dục được công nhận theo chuẩn nước ngoài chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng số cơ sở được công nhận.
Trong khi đó, số lượng chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài có tỉ lệ gần bằng 50% số chương trình kiểm định theo chuẩn trong nước. Hầu hết các chương trình đào tạo được công nhận theo chuẩn AUN-QA.
Nhiều chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn FIBAA, CTI, ASIIN.
Nếu xét các trung tâm kiểm định trong nước, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị kiểm định và công nhận cơ sở giáo dục, chương trình đạt chuẩn nhiều nhất.
Số liệu này được chúng tôi thống kê từ công bố của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.
Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tuy được thành lập sau nhưng có số lượng công nhận cơ sở giáo dục cũng như chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng khá lớn.
Hai trung tâm kiểm định tư mới được thành lập được hai năm. Số lượng cơ sở giáo dục được công nhận bởi hai trung tâm này chưa nhiều nhưng số lượng chương trình đào tạo được công nhận lại khá lớn.
Trong số 98 chương trình đào tạo được công nhận bởi Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn, phần lớn rơi vào năm 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận