12/04/2018 15:00 GMT+7

10 năm 'Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương'

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Tháng 5-2009, 76 đại biểu thanh niên cùng có mặt trên con tàu HQ 957 khởi hành chuyến "Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" đầu tiên do Trung ương Đoàn phối hợp với Quân chủng hải quân tổ chức.

Năm nay bước sang năm thứ 10 kỷ niệm hành trình này.

10 năm Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương - Ảnh 1.

Các thành viên chuyến tàu "Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" - chuyến đi đầu tiên do Trung ương Đoàn tổ chức vào tháng 5-2009 - trên boong tàu HQ957 trước lúc cập đảo Lớn - Ảnh: ĐỨC DỤC

"Tôi đứng lặng trước mộ phần của các chiến sĩ trẻ đã hi sinh tại đảo Nam Yết và Trường Sa Đông" - ông Phan Văn Mãi, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, nguyên bí thư Trung ương Đoàn, xúc động nhớ về chuyến hải trình năm 2009 ấy.

Lễ chào cờ xúc động

Năm 2008 khi đang giữ chức bí thư Trung ương Đoàn, được Ban bí thư Trung ương Đoàn phân công, ông Phan Văn Mãi làm việc với các cơ quan liên quan để trình Ban Bí thư Trung ương Đảng cho tổ chức "Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương".

"Tôi đã nói với các thành viên: chúng ta ra Trường Sa không phải để động viên anh em mà là để được động viên. Nên chuyến đi này sẽ là "mang ra tình cảm, mang về niềm tin". Câu nói này đã trở thành slogan của hành trình" - ông Mãi chia sẻ.

Ông Mãi nhớ rõ chuyến hải trình đầu tiên có chị Nhung ở Thủ Dầu Một bị say sóng rất nặng nhưng không bỏ bất kỳ hoạt động nào, có chị Hòa ở Phú Yên đã khóc trong lễ chào cờ đặc biệt tại đảo Phan Vinh.

Cũng vậy, anh Hoàng Xuân Giao, bí thư Tỉnh đoàn Hòa Bình, cũng nhớ về lễ chào cờ đặc biệt trên hòn đảo mang tên người anh hùng Phan Vinh (quê ở Điện Bàn, Quảng Nam): "Giữa trùng khơi, mọi người đồng thanh hát vang bài quốc ca, thấy tự hào và thiêng liêng lắm".

Thử thách lớn nhất với những người trẻ lần đầu tiên ra đảo là tập làm quen với sóng biển. "Ai cũng say sóng hết, làm quen với sóng biển rồi lại có câu chuyện say đất liền. Bước lên đảo rồi mà người vẫn lắc lư, nhưng khó khăn về mặt thể chất, sức khỏe không làm giảm đi tình cảm thanh niên chúng tôi dành cho Trường Sa. Cơ hội đi hành trình thì mỗi người chỉ có một lần" - anh Giao bày tỏ.

Chuyến đi cuộc đời

Kể từ chuyến đi đầu tiên đó, mỗi năm Trung ương Đoàn đều tuyển chọn thanh niên tiêu biểu ra thăm Trường Sa, dành hết tình cảm tốt đẹp cho người lính đảo.

Bốn lần may mắn đặt chân đến các điểm đảo ở Trường Sa, phóng viên trẻ Trường Phong (công tác ở báo Tiền Phong) chia sẻ: "Với một phóng viên, mong ước đến với Trường Sa càng mãnh liệt hơn".

Anh tâm sự, năm 2013, đêm trước ngày tàu xuất phát cứ háo hức không ngủ được, anh sắp xếp lại hai cuốn sổ tay, cẩn thận xem từng bộ quần áo trẻ con mà anh cất công xin được từ nhà hảo tâm dành tặng những đứa trẻ ở Trường Sa.

"Sau hai ngày trời lênh đênh trên biển, tàu phát thông báo: "Sắp đến đảo Song Tử Tây", tất cả anh em trên tàu không ai bảo ai chạy hết ra boong tàu. Cảm giác sung sướng lắm, thấy phía trước xanh rì, thấy lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Tôi gọi đó là chuyến đi cuộc đời" - anh Phong kể.

Biển đảo do tự nhiên sinh ra, nhưng chủ quyền biển đảo không tự nhiên có được mà được xác lập, giữ gìn bằng xương máu và mồ hôi, công sức của bao lớp thế hệ người Việt Nam

Ông PHAN VĂN MÃI

Ở Trường Sa và nhà giàn, người lính đảo nào cũng thuộc nằm lòng khẩu quyết: "Nước là máu, rau là thuốc". Anh Trường Phong kể có một bạn trẻ tham gia hành trình đã mang nước từ đất liền ra đảo để hạn chế sử dụng nước của chiến sĩ khiến ai cũng cảm động.

"Cô ấy nói một câu rằng: "Chúng em lên đây sử dụng rất nhiều nước của các anh, không muốn sử dụng thêm nữa. Em sẽ tặng các anh chai nước này coi như bù đắp" - phóng viên Trường Phong nhớ lại.

Nhiều năm gắn bó với "Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương", anh Lê Duy Hưng Thịnh (giám đốc Trung tâm Truyền hình thanh niên) kể câu chuyện các đại biểu là thầy cô giáo trước khi ra Trường Sa đều phát động học sinh trong trường viết thư tay gửi đến các chiến sĩ.

Anh Thịnh cho biết thêm mỗi năm đoàn phim đều đến thăm các thân nhân chiến sĩ, ghi hình như "lá thư sống" gửi đến các chiến sĩ và sau hành trình cũng ghi lại hình ảnh các chiến sĩ tập luyện, tâm tình của họ gửi về quê nhà.

"Sau hành trình, các bạn trẻ còn kết nối với những người lính, giúp đỡ nhau trong công việc và chia sẻ những câu chuyện cuộc sống. Đó là giá trị mà "Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" mang lại" - anh Thịnh nói.

Lá cờ Tổ quốc ở Trường Sa

Phóng viên Trường Phong (báo Tiền Phong) cho biết khi tìm hiểu về những lá cờ đặc biệt ở Trường Sa, anh mới biết rằng cứ khoảng ba ngày cờ sẽ rách vì gió biển thổi quá mạnh.

Chuyến hải trình đầu tiên có mặt ở Trường Sa, anh mang theo năm lá cờ Tổ quốc từ đất liền ra đảo, xin đổi lấy lá cờ của các anh mang về. Sau hành trình, chàng phóng viên quyết định đem tặng lá cờ đặc biệt này cho các chiến sĩ đồn biên phòng A Pa Chải (Mường Nhé, Điện Biên) đang canh gác ở mốc giao điểm đặc biệt ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, như món quà thân tình gắn kết những người lính ở quần đảo thiêng liêng và vùng biên giới Tây Bắc.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên