24/06/2018 09:54 GMT+7

10 năm bán vé số nuôi cha và giấc mơ đại học

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - Tranh thủ bán cho hết xấp vé số, Đặng Chí Lâm về nhà lo cơm nước cho cha già. Thời gian còn lại, Lâm lao đầu vào công việc ôn tập bài vở, nuôi giấc mơ vào giảng đường.

10 năm bán vé số nuôi cha và giấc mơ đại học - Ảnh 1.

Đặng Chí Lâm trong ngôi nhà của mình - Ảnh: CHÍ HẠNH

Bên trong căn nhà nhỏ, ẩm thấp, nằm sâu trong con hẻm ở khu vực 2, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ luôn là hình ảnh hiếu thảo và đầy ý chí của (21 tuổi).

Bị bắt vì bán xe để mua quần áo

Ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm là Lâm vội vã rời nhà với xấp vé số trên tay. Tuổi thơ nhọc nhằn của Lâm đầy những kỷ niệm khó quên, mỗi khi nhắc lại khiến bạn không khỏi ngậm ngùi:

"Có lúc hai cha con chỉ có một ổ bánh mì chia nhau. Có lúc đi xin lòng vòng trong xóm để mua một gói mì cho hai cha con lót dạ. Nhà có nuôi một con chó cũng đành đem bán nó đi. Đó là điều mình buồn nhất".

Năm 14 tuổi, thấy hoàn cảnh của Lâm khó khăn, vừa đi học vừa lo cho cha nên trường có tặng cho chiếc xe đạp.

Ông Đặng Chí Hoàng (51 tuổi, cha Lâm) kể: "Lâm đi học có mỗi bộ đồ suốt thời cấp II. Cái quần ngắn gần lên tới đầu gối. Cái áo thì quá cũ, muốn rách. Thấy vậy tôi mang chiếc xe đạp đi bán lấy tiền mua quần áo cho Lâm đến trường.

Nhưng ai dè lúc tìm chỗ bán xe thì cha con tôi bị công an bắt vì nghĩ là dân ăn trộm".

Ông Hoàng ngày trước có nghề làm bánh tiêu, bánh bao vừa đi bỏ mối, vừa đi bán lẻ. Chục năm trước ông Hoàng đổ bệnh, người tự dưng yếu đi hẳn rồi sưng phù mà không rõ nguyên nhân.

Tiền bạc không có, ông cứ để mặc vậy chịu đựng đến bây giờ.

Bươn chải nuôi cha, tự lo ăn học

10 năm ròng rã trôi qua, Lâm rảo quanh khắp các chợ, đi dọc hết những con đường để bán vé số mưu sinh và lo cái ăn cho cha một cách tử tế.

Cuộc sống của gần 10 năm trước khi ông Hoàng bạo bệnh, sức khỏe suy giảm không thể kiếm ra tiền thì vợ ông rời bỏ hai cha con. Từ đó, Lâm đã phải đứng ra cáng đáng gia đình.

"Lúc đó để có tiền xoay xở, em đi rửa chén thuê, làm mấy việc lặt vặt ở tiệm bánh mì. Cha em không biết em đi làm những việc này. Em phải nói dối là đi học thêm, học nhóm. Em không đi làm kiếm tiền thì không biết em và cha sống thế nào nữa" - Lâm nhớ lại lúc mình vừa học hết lớp 6.

12 tuổi, việc kiếm tiền để tự nuôi mình, nuôi thêm người cha bệnh tật là điều quá tầm của Lâm. Nhưng thời gian cứ trôi qua, và mỗi ngày Lâm quen dần với cái khó, cái khổ. Đi làm thuê một thời gian, Lâm chuyển qua bán vé số để chủ động thời gian tiếp tục tới trường.

Một buổi học, một buổi đi bán vé số dạo, Lâm không quan tâm lắm đến ánh mắt của bạn bè cùng lứa, cùng trường.

"Mình không thấy mắc cỡ gì khi vừa phải học vừa đi bán vé số, có lúc còn đem vô trường bán luôn. Có những điều người ta không làm được mà mình làm được mới đáng nói" - Lâm tâm sự.

Học đến cấp III, khi suy nghĩ ngày càng trưởng thành, Lâm càng chịu khó học tập và nghĩ về một tương lai tươi sáng hơn. Cậu chọn thi ba lần vào Trường Y dược Cần Thơ đều không đậu, nhưng đó là nghề Lâm đam mê nên cậu không nản chí.

"Lần này không đậu sẽ ôn thi tiếp lần sau" - Lâm nói.

Với ông Hoàng, suốt 10 năm qua nếu không có Lâm thì chắc cuộc đời ông coi như chấm hết. Theo Lâm, nếu được vào đại học như mong muốn cũng sẽ tiếp tục vừa học vừa bán vé số để lo cho mình và cha.

Lâm muốn trở thành bác sĩ để cha mình có thể ngẩng cao đầu.

CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên