Ngoài lương, việc thưởng cho giáo viên hiện cũng không tương xứng và đây là một trong những hạn chế của ngành giáo dục - Ảnh: NHƯ HÙNG |
>>
Thưởng không xứng đáng
Không nói lương, chỉ nói tiền thưởng. Có rất nhiều danh hiệu cho giáo viên nhưng mức thưởng cho mỗi danh hiệu rất "bèo", nhiều lúc nhận thưởng mà lòng rưng rưng, thà không có đỡ tủi hơn.
Mong ngành giáo dục đừng thưởng dàn trải, dồn lại thưởng thật cao (trăm triệu trở lên) cho một hai giáo viên hoặc cán bộ quản lý có việc làm hữu ích mà cả ngành giáo dục đều nhìn thấy và ghi nhận.
Chưa đánh giá được năng lực giáo viên
Với cách quản lý chuyên môn giáo viên hiện nay: dự giờ, kiểm tra sổ sách giáo án, họp hành... dường như có tính "dĩ hòa vi quý", cào bằng. Có thể biết giáo viên nọ kia yếu chuyên môn nhưng không có tiêu chí cụ thể để xử lý.
Kiểu nói "giáo viên không dạy được thì cho nghỉ" là nói cho hay. Không chừng lại cho nghỉ đúng anh giáo viên có năng lực.
Chưa đánh giá được năng lực quản lý giáo dục
Nếu cách đánh giá năng lực giáo viên là cào bằng thì việc đánh giá năng lực quản lý cấp trường, phòng, sở cũng chẳng sáng sủa gì hơn.
Công việc đã được lên khuôn, chẳng cần phải sáng tạo gì. Tôi đã từng chứng kiến một hiệu trưởng trường THPT ngã bệnh ba tháng mà trường học vẫn hoạt động tốt, lương tháng giáo viên nhận đều, vẫn có học sinh thi học sinh giỏi đạt kết quả, vẫn có giáo viên thi giáo viên dạy giỏi đạt kết quả, trường cuối năm đạt tiên tiến xuất sắc.
Sức học của học sinh đi xuống
Căn bệnh thành tích tồn tại quá lâu, dung dưỡng những học sinh yếu kém vẫn được lên lớp đều đặn đã tạo ra số đông học sinh không ở mức ngồi nhầm lớp mà còn ngồi nhầm cấp học.
Có những học sinh tưởng chừng chỉ học lớp 5 nhưng đang ngồi chễm chệ ở lớp 12. Bằng chứng mỗi kỳ thi có hàng ngàn điểm liệt, tức không biết gì cả.
Không tuyển được học sinh giỏi vào sư phạm
Không phải bây giờ mà từ nhiều năm nay chúng ta đã không tuyển được học sinh giỏi vào ngành sư phạm (tất nhiên là trừ trường hợp cá biệt).
Thú vị là một số giáo viên có học lực thời phổ thông chỉ ở mức trung bình nhưng sau một thời gian giảng dạy họ "quên phắt chuyện ngày xưa đó" rồi tự gán cho mình một thời vàng son của tuổi học trò.
Cấp quản lý giáo dục chỉ thường thường bậc trung
Vì hồ sơ lý lịch, vì phe nhóm..., cấp quản lý giáo dục thường được tuyển từ những giáo viên chỉ ở mức thường thường bậc trung.
Nếu những cán bộ này là chuyên viên ở các bộ môn thì vô cùng đáng ngại.
Người đào tạo ra những người làm nghề đào tạo
Người đào tạo ra những người làm nghề đào tạo, tức những giảng viên ở các trường sư phạm, lại phần đông cũng thường thường bậc trung.
Tôi từng học những thầy cô ở trường sư phạm đã dường như không đủ sức để truyền tải kiến thức. Họ có vẻ khó nhọc, cọc cạch, lúng túng khi đứng trên bục giảng.
Hệ thống quản lý rườm rà, chồng chéo
Với hạn chế này diễn giải ra khá dài dòng, tôi chỉ xin góp ý: bỏ cấp quản lý của phòng giáo dục của mỗi quận huyện, chỉ bằng sự quản lý của sở giáo dục là đủ.
Gói ghém năng lực cá nhân
Giáo viên ngoài dạy còn vô số việc không tên mà nếu không làm cũng chẳng sao nhưng phải làm vì "thi đua". Ngày tháng qua đi cứ mãi loay hoay đối phó nên gần như giáo viên chỉ biết gói ghém năng lực vào dạy học.
Hơn nửa triệu giáo viên của cả nước, đông đảo là vậy, nhưng đóng góp cho văn chương, nghệ thuật, khoa học, công nghệ... lại quá ít ỏi.
Sự can thiệp quá sâu của ủy ban nhân dân tỉnh, huyện
Tỉnh có sở nội vụ, huyện có phòng nội vụ đã can thiệp quá sâu vào việc tuyển giáo viên ở các cấp học. Ngành giáo dục cần đấu tranh để được độc lập trong việc rà soát thiếu thừa giáo viên để tự mình tổ chức thi tuyển công bằng, minh bạch.
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gửi qua email: [email protected]. Xin cảm ơn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận