28/07/2019 06:41 GMT+7

1 xe tải, 1 thùng phi, 1 máy dầu... vậy là các 'kỹ sư làng' có 'siêu xe' chữa cháy

CHÍ CÔNG
CHÍ CÔNG

TTO - Một chiếc xe tải, một thùng phuy chứa nước, một chiếc máy dầu và một ống nước bằng vải... là những thứ mà các "kỹ sư làng" ở xứ cù lao Phú Tân (An Giang) lên ý tưởng rồi biến chúng thành những "siêu xe" chữa cháy cải tiến độc nhất vô nhị.

1 xe tải, 1 thùng phi, 1 máy dầu... vậy là các kỹ sư làng có siêu xe chữa cháy  - Ảnh 1.

Đội chữa cháy “Hai lúa” ở Hòa Lạc - Ảnh: CHÍ CÔNG

Ở xã Hòa Lạc bây giờ, tụi tui có hai xe chữa cháy cải tiến, một chiếc có công suất chứa 4.000 lít nước, một chiếc nhỏ hơn chứa 2.500 lít. Tụi tui trang bị thêm ống dẫn nước dài hơn 100m, lực nước bắn xa hơn 40m rất thuận tiện chữa cháy tại chỗ.

Ông Huỳnh Bảo Ý

Tách biệt hoàn toàn với phố hội Bảy Núi, vùng đất Phú Tân là một cù lao "quê", người dân tính tình hiền hòa đôn hậu và có lối sống mộc mạc chân quê, đoàn kết.

Đó chính là "cốt lõi" để câu chuyện sáng chế "siêu xe" chữa cháy cải tiến của nhóm "kỹ sư làng" U50 thạo nghề cơ khí ở địa phương được bắt đầu và lan tỏa xa gần trong thời gian qua.

Đội chữa cháy "Hai lúa" ra đời

Lão nông Nguyễn Văn Nang (tự Ba No, 66 tuổi, ở xã Phú Bình, huyện Phú Tân) bộc bạch: Từ xưa đến nay, ông bà kể lại vùng đất Phú Tân mọc lên nằm giữa sông Hậu và sông Tiền, đất đai màu mỡ, cỏ cây xanh rì, người dân mới đến đây khẩn hoang lập làng, lập ấp sinh sống nhưng họ vẫn còn giữ nếp sống truyền thống cất nhà sàn để ở. Do đó, khi có cháy nhà là mấy ông "giặc lửa" dễ dàng đốt nhanh, đốt sạch.

"Ở quê, cháy nhà là chịu thua. Nhà sàn bằng gỗ lửa bắt nhanh, lan rộng và bà con lối xóm chỉ biết múc từng thau nước để chữa cháy thì không thể nào cứu nổi nên tôi với mọi người mới hợp thành một nhóm hơn 20 thành viên để tìm cách chữa cháy tại chỗ. Không phân biệt đàn ông hay đàn bà, hễ ai có tinh thần thì cứ tham gia" - ông Nang nói.

Theo ông Nang, kể từ lúc đội chữa cháy "Hai lúa" ở địa phương ra đời nhưng không ai có kiến thức hay được đào tạo nghiệp vụ chữa cháy bài bản. Đổi lại, dù bận việc nhà hay nông nhàn thì họ vẫn nhiệt tình tham gia. 

Và mãi đến năm 2015, lực lượng công an địa phương cùng với người dân ở các xã, thị trấn trong vùng mới xây dựng phương án đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Lúc này, ông Nang và mọi người được tập huấn kiến thức và bắt tay vào việc sáng chế "siêu xe" chữa cháy cải tiến, trong đó ông Nang và các thợ lành nghề cơ khí khác ở địa phương giữ vai trò "chủ xị".

Lúc bắt tay vào làm, ông Nang bảo thiếu thốn đủ thứ, nhưng chính quyền và bà con ở đây đều đồng lòng ủng hộ. Ai có tiền ủng hộ tiền, ai có công thì góp công. Mỗi người một việc. Ai cũng vui vẻ làm nên mọi thứ suôn sẻ và xe chữa cháy cải tiến theo kiểu nông dân xuất hiện, phục vụ tối ưu việc PCCC trong xóm, trong làng.

1 xe tải, 1 thùng phi, 1 máy dầu... vậy là các kỹ sư làng có siêu xe chữa cháy  - Ảnh 3.

Ông Huỳnh Bảo Ý (áo trắng) bên “siêu xe” chữa cháy cải tiến từ xe tải - Ảnh: CHÍ CÔNG

Chế xe chữa cháy

Qua khảo sát thì lực lượng chức năng xác định địa phương có 5 điểm nguy hiểm về cháy nổ. Đặc biệt, tại đó địa hình phức tạp, đường đi nhỏ hẹp, nguồn nước ít ỏi và khi xảy ra hỏa hoạn ban đêm thì bà con rất khó khống chế lửa.

Trung tá Đỗ Thành Nghị, đội trưởng đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Phú Tân, cho biết: Để chữa cháy, lâu nay dân chế ra ống thụt nước bằng thủ công - đó là sản phẩm lấy ý tưởng từ dân gian nhưng áp suất nước bắn xa hơn 20m. Sau đó, dân mới sáng tạo xe chữa cháy đẩy tay rồi đào giếng nước cố định để cứu hỏa.

Nói về xe chữa cháy đẩy tay, ông Huỳnh Bảo Ý (ở xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân) cho biết cách đây hơn 10 năm, chính ông và một số thợ lành nghề ở địa phương ngồi lại với nhau để sáng chế ra chiếc xe chữa cháy đẩy tay lưu động. "Ưu điểm thì có đó. Những đám cháy mới bùng phát thì có thể dập tắt nhưng cực ở chỗ mọi người phải tốn công tiếp sức vận chuyển và múc nước từng thùng dưới sông lên đổ vào phuy" - ông Ý nói.

Hiện giờ một số phương tiện chữa cháy như ống thụt nước, xe đẩy tay thì người dân vẫn giữ lại vì chúng phù hợp với địa hình hiểm trở, nhỏ hẹp tại địa phương. Đồng thời, ông Ý và mọi người ở xã Hòa Lạc tiếp tục góp sức sáng chế ra "siêu xe" PCCC với công suất lớn, tiết kiệm thời gian di chuyển và dập lửa hiệu quả hơn.

Đầu năm 2019 đến nay, dân xã Hòa Lạc đã góp vốn mua một chiếc ôtô tải và tận dụng một chiếc máy suốt lúa để làm hai chiếc xe cứu hỏa cải tiến và trang bị thêm một chiếc máy xăng nhỏ để bơm nước trực tiếp từ sông lên bồn chứa nước của xe.

"Ở xã Hòa Lạc bây giờ, tụi tui có hai xe chữa cháy cải tiến, một chiếc có công suất chứa 4.000 lít nước, một chiếc nhỏ hơn chứa 2.500 lít. Tụi tui trang bị thêm ống dẫn nước dài hơn 100m, lực nước bắn xa hơn 40m rất thuận tiện chữa cháy tại chỗ" - ông Ý cho biết.

Là sản phẩm tự chế nhưng ông Ý tính sơ thì chi phí đầu tư cho một chiếc xe chữa cháy tầm khoảng 50-80 triệu đồng (tùy loại). Để có tính thẩm mỹ và chuyên nghiệp, ông Ý cùng mọi người tự tay hàn, tiện sắt tỉ mỉ rồi sơn phết, trang trí dán chữ PCCC lên xe. Xe chữa cháy này đậu gần với các cụm, tuyến khu dân cư hay để tại UBND xã để dễ dàng điều động khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra.

Hiệu quả

Từ khi có các xe chữa cháy cải tiến, chính quyền và người dân Phú Tân hầu như thoát khỏi nỗi ám ảnh kinh hoàng về sự tàn phá ghê gớm của giặc lửa. Ông Tư Bé kể cách đây khoảng 3 tháng, một tiệm thuốc tây ở chợ Thơm Rơm (xã Hòa Lạc, Phú Tân) đột nhiên cháy. Người dân bắt đầu hô hoán cháy nhà... thì đội chữa cháy "Hai lúa" ở địa phương ngay lập tức điều động xe đến hiện trường để hỗ trợ dập lửa.

"May mắn, thời điểm đó xe chữa cháy vừa mới sáng chế xong nên đội chữa cháy điều xe đến kịp, lửa nhanh chóng được dập tắt. Từ đó chúng tôi đặt biệt danh cho các xe chữa lửa cải tiến của mình là siêu xe" - ông Tư Bé nói.

Nhân rộng "siêu xe" chữa cháy

Trung tá Đỗ Thành Nghị cho biết kể từ khi có mô hình sáng tạo xe chữa cháy cải tiến thì người dân ý thức hơn trong việc PCCC tại nhà, và số vụ cháy nổ xảy ra ít hơn.

chuachay1 2(read-only)

“Siêu xe” chữa cháy cải tiến từ máy suốt lúa - Ảnh: CHÍ CÔNG

Cụ thể, năm 2016 trên địa bàn Phú Tân xảy ra 3 vụ cháy (thiệt hại tài sản gần 1 tỉ đồng) thì đến cuối năm 2018, địa phương chỉ xảy ra 1 vụ cháy (thiệt hại gần 50 triệu đồng). "Sắp tới chúng tôi vẫn tiếp tục tuyên truyền và nhân rộng mô hình sáng kiến này để đảm bảo ở mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Tân đều có xe chữa cháy tại chỗ".

CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên