26/05/2023 13:59 GMT+7

1 triệu tỉ đồng 'đóng băng' phải gửi ngân hàng do 'sợ trách nhiệm'?

Nhiều thủ tục bất cập, cùng tâm lý lo sợ trách nhiệm trong triển khai giải ngân vốn ngân sách, đầu tư công đang tạo những rào cản cho việc đưa dòng vốn này vào nền kinh tế.

1 triệu tỉ đồng đóng băng phải gửi ngân hàng do sợ trách nhiệm? - Ảnh 1.

Sợ trách nhiệm là vấn đề đặt ra khi triển khai dự án, giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh: Q.Đ.

Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ sự sốt ruột trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ, trong khi ngân quỹ tồn tới 1 triệu tỉ đồng ở kho bạc nhà nước và đang được gửi ngân hàng với lãi suất chỉ 0,8%/năm.

Vẫn vướng do sợ sai

Là một trong những địa phương nằm trong diện giải ngân vốn đầu tư công chậm trong 4 tháng đầu năm, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM, nguyên phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) cho hay có nhiều vướng mắc trong giải ngân đầu tư công.

Theo đó, trong các dự án metro thành phố đang làm, có dự án vướng quy định phòng cháy chữa cháy, quy định tạm ứng, hoàn tạm ứng thanh toán, di dời hạ tầng kỹ thuật; có dự án thì vướng chính sách đền bù giải phóng mặt bằng...

Vấn đề nằm ở chỗ cũng có những quy định vướng từ hướng dẫn ở cấp trên. Ví dụ như thông số kỹ thuật giao cắt giữa các tuyến metro, dù thành phố có văn bản gửi cơ quan cấp trên xin hướng dẫn nhưng chậm trả lời khiến công việc ách tắc.

Hay việc tạm ứng, hoàn tạm ứng, có dự án trước đây điều chỉnh thiết kế cơ sở, như tường vây từ 2m xuống còn 1,5m, đặt ra vấn đề thanh quyết toán sao cho hợp lý, hợp lệ...

“Không ai dám đứng ra nói về sự an toàn của việc điều chỉnh đó và mặc dù đã có đánh giá của hội đồng chuyên môn kỹ thuật nhưng không ai dám quyết định. Nếu quyết định sau này công trình đi vào thực tế, có vấn đề gì thì sao. Không có hướng dẫn chuyên môn thì sao làm” - đại biểu Tuấn bộc bạch. 

“Công trình đầu tư dở dang là lãng phí, kéo dài ảnh hưởng tới phát triển, như dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành kéo dài rất lâu vẫn không xong” - đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) bày tỏ trong bối cảnh tồn đọng ngân quỹ mà nhiều dự án như vậy, cần phải xem xét.

Theo ông, mục tiêu là sử dụng vốn linh hoạt nhất, điều tiết hiệu quả, tập trung rà soát những bất cập, đề nghị Quốc hội có thể ban hành một luật sửa nhiều luật.

Là địa phương có tỉ lệ giải ngân ở mức khá, song Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cũng nhìn nhận thực tế có vướng mắc.

Đơn cử việc giải phóng mặt bằng, triển khai dự án quy mô lớn, có những đơn vị ở Yên Bái chưa bao giờ làm, kinh nghiệm hạn chế. Dẫn tới một số nơi có tâm lý sợ sai khiến lãnh đạo địa phương phải liên tục “làm công tác tư tưởng”.

“Chúng tôi lập hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của cấp huyện, giao trách nhiệm đến từng người. Tuy nhiên, năng lực và số lượng cán bộ cấp huyện còn khó khăn nên tỉnh phải biệt phái người ở sở, ngành xuống hỗ trợ. Để cán bộ yên tâm công tác, phải có sự thống nhất trong lãnh đạo” - ông Duy bộc bạch.

Vẫn phải đi vay, chịu lãi vay hơn 3 triệu tỉ đồng

Ông Trần Văn Lâm, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng tình trạng “có tiền không tiêu được” là thực tế đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì đầu tư công

“1 triệu tỉ đồng chậm đưa vào thì chậm phát huy nguồn lực, trong khi chúng ta vẫn phải đi vay, chịu lãi vay hơn 3 triệu tỉ đồng. Mỗi năm bội chi làm chúng ta cũng phải vay 200.000 - 300.000 tỉ đồng, trong khi tiền có trong két mà không tiêu được. Đấy là sự lãng phí” - ông Lâm nói. 

Theo đó, ông Lâm đề nghị cần đơn giản hóa thủ tục, quy trình để rút ngắn thời gian từng bước chuẩn bị hồ sơ, chuẩn bị dự án đầu tư, thanh quyết toán, gắn với sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Đất đai…

Thực tế nghị quyết của Quốc hội tại các kỳ họp đã nhiều lần đề cập chủ trương, giải pháp để đẩy nhanh quá trình giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả. Ví dụ thí điểm tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án chung và thí điểm tại TP.HCM. 

Hay với một số dự án giao thông trọng điểm cho giải phóng mặt bằng không căn cứ vào dự án hiện tại, tức là cho giải phóng cả khu quy hoạch rồi mới đấu thầu sử dụng đất. Do đây là cách làm khác luật, ông cho rằng cần thí điểm, làm từng bước rồi tổng kết, đánh giá để tránh tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm

1 triệu tỉ đồng 1 triệu tỉ đồng 'đóng băng' ở kho bạc phải gửi ngân hàng, bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì?

Về 1 triệu tỉ đồng đang gửi ngân hàng được các đại biểu Quốc hội nhắc đến trong phiên thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 25-5, chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói “hoàn toàn đúng”.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên