"Gia đình tôi năm nay có 2 người bị tội phạm công nghệ lừa"
Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng tải câu chuyện của Nạn nhân kể chuyện bị 'siêu trader' Mr. Hunter Lê Khắc Ngọ 'luộc' 10 tỉ đồng, đã có hàng trăm bạn đọc bình luận và gọi điện "kể tội" các đối tượng lừa đảo công nghệ.
Nhiều người cho rằng tình trạng tội phạm công nghệ lừa đảo "gõ cửa từng nhà" xảy ra nhan nhản khắp nơi mang đến nhiều hệ lụy và bất ổn xã hội.
Bình luận trên Tuổi Trẻ Online, ban đọc tên An cho biết hình thức dụ dỗ đầu tư rồi lừa đảo xảy ra nhan nhản. Hầu như ai cũng nhận được các cuộc gọi lừa đảo mời đầu tư chứng khoán quốc tế hoặc giả danh cục thuế, công an, cơ quan nhà nước để lừa đảo…
"Hành vi này không những gây thiệt hại cho người dân mà còn gây mất uy tín nghiêm trọng cho các ngành nghề hợp pháp. Cần có biện pháp xử kịch khung, không ân xá để răn đe với các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nghìn tỉ" - bạn đọc này bình luận.
Còn bạn đọc tên Phong đặt câu hỏi trong công tác đấu tranh với tội phạm lừa đảo công nghệ. Bạn đọc này cho biết trong năm nay nhà mình có tới 2 người bị lừa đảo qua mạng là chị dâu và em vợ.
"Bị lừa đảo, cả 2 gia đình cày cuốc cật lực 3 năm tới mới hy vọng trả đủ nợ. Nhà tôi bị lừa, giờ đây khốn khổ cả bao nhiêu người thân khác nữa" - bạn đọc này kể.
Bức xúc với các vụ lừa đảo có số tiền chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng liên tục xảy ra, bạn đọc Công Sĩ nhấn mạnh cần có chế tài xử lý xử phạt nghiêm khắc.
Bạn đọc này cho rằng vụ lừa đảo bằng sàn chứng khoán "ma" trong bài viết trên chỉ là một trong rất nhiều hình thức lừa đảo công nghệ. Những kẻ vô nhân tính vì lòng tham đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh khánh kiệt, đường cùng, quẫn bách.
"Thực tế, tôi có biết nhiều cá nhân khác cũng đã và đang lao đao cũng bằng cách tương tự. Có người đơn thuần là nội trợ, có người là giáo viên, người là công chức viên chức.... Nói chung nạn nhân đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp ngành nghề khác nhau" - bạn đọc mong pháp luật mạnh tay với những đối tượng lừa đảo kiểu này.
Kiểm soát lòng tham ngay từ những món đầu tư nhỏ
Bên cạnh việc đề xuất xử nghiêm các hành vi lừa đảo gây bất ổn xã hội, nhiều bạn đọc cũng đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác và kiểm soát lòng tham.
Nhiều bạn đọc cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận thì các nạn nhân đều có điểm chung: lòng tham không kiểm soát!
Nạn nhân của các vụ lừa đảo làm nhiều ngành nghề, do vậy nếu cho rằng các nạn nhân thiếu kiến thức thì không đúng.
Bởi có nhiều người trong số nạn nhân là người có trình độ cao. Song lòng tham đã đưa bản thân họ đến những cái bẫy chực chờ và tự họ sập bẫy bọn bất nhân.
"Nhiều người tan cửa nát nhà, vợ chồng con cái ly tán do vướng vào những sàn chứng khoán ảo này. Có người may mắn còn tài sản để rao bán trả nợ do vay mượn hoặc kêu gọi từ bạn bè cùng nhau đầu tư và cùng nhau sập bẫy.
Mong pháp luật mạnh tay với những đối tượng lừa đảo kiểu này.
Và qua những vụ này mong nhiều người khác thức tỉnh khi đang ôm mộng làm giàu một cách dễ dãi từ lòng tham thiếu kiểm soát!" - một bạn đọc bình luận.
Việc kiểm soát lòng tham và đề cao cảnh giác được nhiều bạn đọc nhắc tới.
Trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải chú ý các lời kêu gọi "lợi nhuận cao", "cam kết thắng 100%"...
Bạn đọc cho rằng nhiều người mới đầu chỉ chơi thử 1.000 đô la, sau đó mới bị sa lưới bọn lừa đảo.
"Rõ ràng đường dây của siêu 'trader' Mr. Hunter Lê Khắc Ngọ và Mr Pips Phó Đức Nam có tài sản sở hữu 5.000 tỉ đồng thì thủ đoạn cũng không tầm thường" - bạn đọc nhận xét.
Mở rộng điều tra nhiều bị can trong vụ Mr. Hunter và TikToker Mr Pips lừa đảo
Bên lề kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cho biết đơn vị đang phối hợp với Công an TP Hà Nội mở rộng, điều tra đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng liên quan Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips).
Trước đó, Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã quyết định phê chuẩn khởi tố bị can Phó Đức Nam, Lê Khắc Ngọ (34 tuổi, trú Hà Nội) và 24 người khác về các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "không tố giác tội phạm" và "rửa tiền". Sau đó khi tiếp nhận điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố thêm một số bị can khác.
Viện kiểm sát nhân dân dân TP Hà Nội cho biết các bị can áp dụng lừa đảo theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán, khi nạn nhân bị lùa vào là không rút ra được. Đến nay cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, tìm các nạn nhân để đi đến kết luận cuối cùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận