Hỗ trợ tiền thuê nhà cho triệu lượt người
Theo dự thảo tờ trình về tình hình thực hiện nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và một số kiến nghị, sẽ được Chính phủ gửi tới Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới, Chính phủ đánh giá việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thời gian qua đã đạt kết quả đáng ghi nhận.
Chính phủ cho biết chương trình phục hồi kinh tế - xã hội theo nghị quyết của Quốc hội tập trung vào 6 nhóm chính sách lớn.
Đó là miễn giảm thuế, phí, tính đến hết tháng 3-2023, Chính phủ đã thực hiện miễn giảm thuế VAT đầu ra, thuế môi trường với nhiên liệu bay và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác khoảng 54.129 tỉ đồng, bằng 84,6% mục tiêu của chương trình.
Thứ hai là gói hỗ trợ 2% lãi suất vay ngân hàng thương mại, số tiền hỗ trợ khoảng 40.000 tỉ đồng, cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục phồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, thuê mua nhà; theo số liệu của Chính phủ đến cuối tháng 3-2023 mới giải ngân được 330 tỉ đồng, tương đương 0,83% nguồn vốn được bố trí.
Nguyên nhân do 67% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đủ điều kiện thụ hưởng không có nhu cầu nhận hỗ trợ. Có khách hàng được hỗ trợ lãi suất đã chủ động hoàn trả tiền.
Bên cạnh đó, khoảng 87% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất nhưng không đáp ứng điều kiện hỗ trợ.
Thứ ba, thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cá nhân vay mua, thuê nhà ở xã hội; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cấp bù lãi suất ưu đãi, có số tiền hỗ trợ khoảng 38.400 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân được 16.400 tỉ đồng, cho 332.000 khách hàng, đạt 42,7% mục tiêu chương trình đề ra.
Thứ tư, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, quy mô hỗ trợ 6.600 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân được khoảng 3.757 tỉ đồng, hỗ trợ cho 5,3 triệu lượt người lao động, đạt 57,2% mục tiêu đề ra.
Xây dựng thêm 645km cao tốc
Thứ năm, chính sách đầu tư công và đầu tư phát triển khác có quy mô vốn khoảng 176.000 tỉ đồng, tính đến ngày 18-4-2023, các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ thuộc chương trình được khoảng 146.522 tỉ đồng, số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết khoảng 15.326 tỉ đồng.
Nguồn vốn này đến nay được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương giao thực hiện các dự án hạ tầng lớn như: cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1…
Với nguồn vốn lớn này, trong năm 2023 cả nước sẽ xây dựng thêm 645km đường cao tốc, 2 cây cầu, 14 cơ sở trợ giúp xã hội, 21 cơ sở đào tạo dạy nghề, 19 dự án công nghệ thông tin, chuyển đổi số, 22 viện, bệnh viện cấp trung ương, 1.717 dự án y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, 46 công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển, hồ chứa nước.
Thứ sáu, nhóm chính sách khác quy mô hỗ trợ 5.000 tỉ đồng để thực hiện chương trình Sóng và máy tính cho em, thực hiện chương trình đổi mới, ươm tạo công nghệ…, đến nay chưa có kết quả thực hiện.
Gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại mắc kẹt
Để phát huy tối đa nguồn lực đã được Quốc hội thông qua trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022-2023 trong thời gian tới, Chính phủ kiến nghị nhiều giải pháp điều chuyển nguồn lực thực hiện chương trình.
Cụ thể, điều chuyển khoảng 16.865 tỉ đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện hỗ trợ cho vay tạo việc làm. Việc điều chuyển này sẽ tạo việc làm cho khoảng 355.000 người.
Đối với 37.430 tỉ đồng không giải ngân được của gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại, Chính phủ đề nghị hủy dự toán khi kết thúc chương trình phục hồi kinh tế.
Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất thực hiện điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong chương trình để giải ngân trong cả giai đoạn 2021-2025, thay vì chỉ giải ngân trong 2 năm 2022-2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận