Chú hề Si Đô (cầm mic) đã gắn bó với chương trình “Ước mơ của Thúy” dành cho các bệnh nhi ung thư suốt 15 năm qua - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong một chương trình thiếu nhi, người thu hút bọn trẻ nhất và người cực nhất có lẽ là chú hề. Chú hề là người dẫn dắt, đứng từ đầu đến cuối chương trình. Chú hề là người xử lý mọi tình huống, khuấy động không khí khiến các bé luôn thấy hào hứng và không thể rời mắt khỏi sân khấu.
Phải yêu thương, gần gũi con nít
Rất nhiều chú hề chia sẻ rằng điều đầu tiên và quan trọng nhất để làm được chú hề là phải yêu thương và biết cách chơi với trẻ con. Anh Lê Văn Hải (chú hề Si Đô) đã trở thành "thương hiệu" với các khán giả nhí nhiều năm nay, đi đâu cũng được các bạn nhỏ vây quanh, gọi tên và cười tít mắt. Vốn có một tuổi thơ vất vả ở mảnh đất miền Trung, anh Hải phiêu bạt vào Sài Gòn và có cơ duyên tham gia công tác Đoàn ở quận Tân Bình.
Trong một lần đội rối của anh diễn tại Đầm Sen, nhằm "cứu nguy" cho một sự cố nên anh đã vận dụng mọi kỹ năng làm quản trò cho vui, ai dè ban giám đốc để ý và mời anh cộng tác, kể từ đó anh Hải bén duyên với hình ảnh chú hề Cu Tí. Sự duyên dáng của anh được nhà đài "chấm" và mời về làm chương trình Vườn âm nhạc của HTV. Về đây, anh đổi tên thành hề Si Đô (ghép tên hai nốt nhạc si và đô).
Anh Hải chia sẻ để làm được công việc này phải có kỹ năng vui nhộn, biết cách gần gũi với mọi người, biết hoạt náo, chơi các trò chơi và nếu có các kỹ năng từ sinh hoạt Đoàn và hướng dẫn viên du lịch là một lợi thế.
Chú hề Si Đô - Lê Văn Hải là người gắn bó suốt 15 năm với chương trình "Ước mơ của Thúy" do báo Tuổi Trẻ khởi xướng. Vốn có một tuổi thơ nhọc nhằn nên anh Hải rất dễ chia sẻ với các cháu. Trong buổi phát động "Đường đua hoa mặt trời", kỷ niệm 15 năm chương trình "Ước mơ của Thúy" vào sáng 22-5, rất nhiều bệnh nhi đã nắm tay, thậm chí ôm chầm chú hề Si Đô đầy thương yêu. Không thương sao được khi bao nhiêu năm qua chú hề Si Đô vẫn miệt mài kết nối các nhà hảo tâm giúp đỡ, thăm hỏi các em, tổ chức sinh nhật, đem lại niềm vui và tinh thần lạc quan cho các bé và cha mẹ. Và vượt trên mọi kỹ năng, tình yêu thương là hình ảnh đẹp đẽ mà các bé và phụ huynh luôn nhớ mãi về chú hề Si Đô vui nhộn.
Chú hề của xiếc và rối, ảo thuật
Góp phần làm phong phú lực lượng chú hề ở thành phố phải kể đến các nghệ sĩ xuất thân từ bộ môn rối, ảo thuật, xiếc.
Anh Lê Văn Lai - chú hề Lý Lắc với 13 năm kinh nghiệm - hiện đang là diễn viên múa rối Nhà hát nghệ thuật Phương Nam. Do không có nơi đào tạo chú hề nên làm công việc này phải tự học, tự sáng tạo. Anh kể thời gian đầu vì chưa biết vận dụng lời nói, hình thể nên chú hề nói một đàng, các cháu ngó... một nẻo.
Anh phải mất 3 - 4 năm tìm hiểu tâm lý các cháu, coi các cháu như con cháu của mình. "Làm chú hề hoạt náo cho trẻ con cách đây 10 năm khác hẳn bây giờ, nên chú hề cũng phải cập nhật liên tục xem trend của tụi nhỏ bây giờ là gì, phim hoạt hình, nhân vật và trò chơi nào tụi nhỏ đang yêu thích... Dẫn chương trình cho con nít cực vì mình không biết cách giữ nhịp chút xíu là bọn nhỏ lo ra, lơ là ngay!" - anh Lai tâm sự.
Anh Hoàng Dũng, diễn viên Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, trước đây từng được đi học xiếc ở Nga nên may mắn được học chút ít về căn bản kỹ năng hình thể sân khấu của xiếc hề. Anh cho biết thường có hai trường hợp theo xiếc hề. Đó là những nghệ sĩ yêu thích đi theo con đường xiếc hề khi còn trẻ và những nghệ sĩ xiếc có tuổi không còn đủ sức khỏe, độ tinh anh với tiết mục xiếc thông thường nên họ chuyển sang xiếc hề.
Làm xiếc hề không dễ dàng, vì muốn diễn xiếc hề trước hết phải biết hết các động tác xiếc căn bản, từ đó sáng tạo vận dụng những động tác phù hợp để tạo ra một tiết mục hài hước. Chưa kể là anh xiếc hề cũng phải có hết những tố chất của một chú hề thông thường, sự duyên dáng, kinh nghiệm sân khấu, các kỹ năng để hoạt náo và thu hút trẻ.
"Diễn tiết mục xiếc thông thường bạn chỉ chăm chú để thực hiện các kỹ thuật cho thật tốt. Nhưng diễn xiếc hề bạn không chỉ lo kỹ thuật xiếc mà còn phải giữ mặt cười, giao lưu, tiếu lâm với bọn trẻ, diễn mà như không diễn, căng lắm không phải dễ!" - anh Hoàng Dũng nói.
NSƯT Phi Vũ, nguyên phó giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn có sô làm chú hề đều đều. Anh cười: "Diễn cho con nít riết mà ai cũng khen tôi trẻ lâu. Nghệ sĩ xiếc mà làm chú hề có nhiều lợi thế lắm. Nhìn đâu cũng thấy đạo cụ để diễn xiếc. Bởi có nhiều chương trình, khi tới nơi người ta mới đưa cái dây này hoặc vòng tròn kia bảo làm cho bọn nhỏ vui. Lúc đó, nhờ kinh nghiệm mà mình xử lý ngay tại chỗ nên thường người tổ chức chương trình rất thích".
Ông cũng chia sẻ làm chú hề cho con nít phải cân nhắc từng lời nói. Vì nói không khéo các bé có thể giận, tự ái, thậm chí tổn thương, nhà tổ chức và cha mẹ thấy con không vui sẽ phàn nàn và lần sau không mời chú hề nữa.
Nhiều chú hề thu hút trẻ bởi sự duyên dáng, kinh nghiệm sân khấu, các kỹ năng để hoạt náo - Ảnh: TỰ TRUNG
Các chú hề cho biết công việc làm chú hề hiện nay giúp cuộc sống của họ khá thoải mái vì hiện sô diễn rất nhiều. Không chỉ đắt sô vào những dịp 1-6, trung thu, Noel... mà các sự kiện, chương trình thiếu nhi, tiệc, sinh nhật các bé tại trường và tại gia... các trường và phụ huynh thường xuyên mời chú hề vì các bé rất thích.
Ông Phi Vũ tiết lộ tùy chương trình lớn nhỏ mà catsê chú hề có thể dao động từ 1 - 3 triệu đồng/sô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận