04/05/2018 21:12 GMT+7

1.350ha đất bỏ hoang vì dự án bò sữa 3.800 tỉ đồng dang dở

HÀ ĐỒNG
HÀ ĐỒNG

TTO - Hàng trăm hộ nông dân ở hai huyện Như Thanh, Nông Cống (Thanh Hóa) phải bỏ hoang hơn 1.300ha đất nhường cho dự án bò sữa 3.800 tỉ đồng.

1.350ha đất bỏ hoang vì dự án bò sữa 3.800 tỉ đồng dang dở - Ảnh 1.

Đất nông nghiệp của bà con nông dân thôn Ổn Lâm 1, xã Công Bình, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đang bỏ hoang vì dư án bò sữa dang dở - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Công ty TNHH hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (địa chỉ tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống) được tỉnh chấp thuận cho thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung.

Nhìn đất dự án bỏ hoang mà tiếc đứt ruột

Bà con nông dân địa phương rất phấn khởi vì sẽ có việc làm, nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác của gia đình.

Hàng trăm hecta đất nông nghiệp của bà con nông dân sẵn sàng tham gia dự án. Thế nhưng, chủ đầu tư không thực hiện dự án làm đất đai nơi đây đang bỏ hoang gần một năm nay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Đức Lương ở thôn Ổn Lâm 1, xã Công Bình, huyện Nông Cống cho biết khi chủ đầu tư đưa dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung về địa phương, gia đình ông liền chặt cây keo non, bán rẻ để giao đất cho dự án. 

"Nhưng từ khi giao đất đến nay đã gần 4 tháng, gia đình tôi chưa nhận được tiền hỗ trợ, đền bù nào. Nhiều tháng nay đất đai bỏ hoang cho cỏ dại mọc, nhìn mà tiếc đứt ruột", ông Lương nói.

Hện nay ở xã Công Bình còn hơn 40 hộ nông dân khác tham gia dự án nêu trên, đã bàn giao đất cho chủ đầu tư, nhưng chưa được hỗ trợ, đền bù đồng tiền nào. 

Các hộ nông dân nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn, điêu đứng khi hơn 100ha đất nông nghiệp bỏ hoang nhiều tháng nay, gây lãng phí. 

Nhìn những quả đồi bát úp, đất đỏ màu mỡ trước kia được phủ xanh bằng cây mía nguyên liệu, cây keo lá tràm, nay trơ trọi, cỏ dại mọc ùm tùm mới thấy hệ lụy, hậu quả của dự án chăn nuôi bò sữa "nằm trên giấy".

Ai chịu trách nhiệm?

Theo tìm hiểu, ngày 17-5-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại các xã Yên Mỹ, Công Bình (Nông Cống), xã Thanh Tân (Như Thanh) cho Công ty TNHH hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ.

Quy mô dự án tại ba xã tổng diện tích khoảng 1.354ha để xây dựng bốn trang trại chăn nuôi 20.000 con bò, xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 72 tấn/ngày, xây khu phụ trợ, trồng cỏ... 

Tổng vốn đầu tư 3.800 tỉ đồng, vốn của doanh nghiệp, vốn huy động hợp pháp khác.

1.350ha đất bỏ hoang vì dự án bò sữa 3.800 tỉ đồng dang dở - Ảnh 2.

Đất ông nghiệp của nông dân thôn Ổn Lâm 1, xã Công Bình, huyện Nông Cống đang bỏ hoang nhiều tháng nay vì dự án bò sữa dang dở - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Đến tháng 10-2017, công tác kiểm kê, đo đếm diện tích đất, nhà ở của người dân hai huyện hoàn thành, chỉ chờ chủ đầu tư giải ngân để bàn giao mặt bằng. 

Tại xã Công Bình có gần 100 ha đất ở, đất nông nghiệp, đất vườn của gần 40 hộ dân ở các thôn Ổn Lâm 1, Ổn Lâm 2, thôn Ná được kiểm kê xong bàn giao cho dự án. 

Tại xã Thanh Tân, dự án lấy gần 30ha, ảnh hưởng đến 117 hộ gia đình. Công tác kiểm kê xong, người dân được thông báo dừng canh tác, sản xuất để dành đất cho dự án.

"Hiện nay các hộ dân đang rất hoang mang vì không biết dự án chăn nuôi bò sữa có tiếp tục triển khai nữa hay không. Nếu chủ đầu tư không triển khai thì phải sớm có câu trả lời để người dân tiếp tục canh tác, ổn định sản xuất", ông Đinh Xuân Dùng - chủ tịch UBND xã Công Bình - cho biết.

Cũng theo ông Dùng, các nông dân đã đề nghị UBND huyện Nông Cống, UBND tỉnh chỉ đạo Công ty cổ phần mía đường Nông Cống tiếp tục liên kết sản xuất, hỗ trợ giống, phân bón cho nông dân, để bà con tiếp tục trồng mía nguyên liệu cho doanh nghiệp này, như trước khi dự án chăn nuôi bò sữa vào.

Về vụ việc nêu trên, ông Nguyễn Văn Tuấn - phó chủ tịch UBND huyện Nông Cống - cho biết ngày 7-2, UBND huyện đã có công văn gửi giám đốc Công ty Yên Mỹ, trong đó có nêu do thời vụ sản xuất đã đến, các hộ bị ảnh hưởng của dự án đề nghị UBND huyện Nông Cống thông báo cho công ty có kế hoạch trả tiền giải phóng mặt bằng để các hộ có phương án sản xuất. 

Tuy nhiên, chính quyền huyện và bà con nông dân đợi mãi nhưng không thấy công ty trả tiền giải phóng mặt bằng cho người dân, nên UBND huyện đã báo cáo UBND tỉnh.

Tại buổi làm việc giữa UBND huyện Nông Cống, Công ty Yên Mỹ và người dân xã Công Bình vào ngày 23-3, ông Phạm Tuấn Hiệp - Phó tổng giám đốc công ty này, cho biết rằng do kinh phí giải phóng mặt bằng lớn nên công ty không đủ khả năng thực hiện việc ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo phương án được duyệt. 

"Công ty đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép công ty được thuê đất đã giải phóng mặt bằng để tiếp tục dự án, nhưng không được UBND tỉnh chấp thuận. Vì vậy công ty không tiếp tục thực hiện dự án tại vị trí đã được chấp thuận chủ trương ở xã Công Bình và Yên Mỹ", ông Hiệp nói. 

Trước đó, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn số 2796 (ngày 19-3), truyền đạt ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh.

Theo đó, ngân sách tỉnh hàng năm không đủ chi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư không thuộc ngân sách nhà nước vì thế Công ty TNHH hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ đề nghị thuê đất đã giải phóng mặt bằng và không ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án là không có cơ sở xem xét giải quyết.

Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao cho Sở Kế hoạch - đầu tư phối hợp với các ngành liên quan căn cứ quy định của pháp luật, tham mưu cho chủ tịch UBND tỉnh giải quyết đề nghị của công ty chấm dứt thực hiện địa điểm dự án nêu trên.

Nông dân thả bò ra đồng gặm cỏ phải đóng

TTO - "Thuế" này mang tên là "phí đồng cỏ 100.000 đồng/1 con/năm". Chưa hết, các hộ chăn thả trâu bò còn "tự nguyện" đóng phí thế chấp chăn thả gia súc, gia cầm ngoài đồng.

HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên