Cổ phiếu "họ Vin" dậy sóng, nhận thêm hơn 33.500 tỉ đồng vốn hóa
Ngay khi vừa mở phiên giao dịch đầu tuần (31-7), thị trường chứng khoán lập tức đón dòng tiền ào ạt đổ vào mua cổ phiếu. Trong vài phút đầu chỉ số chứng khoán VN-Index đã được đẩy lên mức tăng hơn 14 điểm, sau đó giằng co giữa phe bán và phe mua.
Các cổ phiếu "họ Vin" trở thành tâm điểm được nhà đầu tư tranh nhau mua, đẩy giá tăng trần với sắc tím, có công lớn góp vào đà tăng của thị trường chung.
Hiệu ứng trên xuất phát từ việc Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) vừa tuyên bố hiệu lực hồ sơ đăng ký của Hãng xe điện VinFast, dự kiến sẽ niêm yết vào tháng 8 này.
Trong phiên, mã VIC (Tập đoàn Vingroup) và VHM (Vinhomes) tăng trần lên giá 55.100 đồng/cổ phiếu và 63.000 đồng/cổ phiếu.
Riêng mã VRE (Vincom Retail) cũng tăng gần 3% lên giá 29.650 đồng/cổ phiếu. Sự tăng trưởng này đã giúp vốn hóa thị trường ba mã trên nhận về tổng cộng hơn 33.500 tỉ đồng. Tính chung cả phiên hôm nay, đã có gần 28 triệu cổ phiếu "họ Vin" được sang tay.
Song song đó thị trường còn nhận được lực đẩy của nhiều cổ phiếu khác như GAS (PetroVietnam Gas), BCM (Becamex), ACB, CTG (Vietinbank), VJC (Vietjet), PLX (Petrolimex)…
Ngược dòng, nhiều cổ phiếu bị nhà đầu tư bán ra, kìm hãm đà tăng của thị trường chung, trong đó phải kể đến các mã VCB (Vietcombank), SSB (Ngân hàng Đông Á), MWG (Thế giới di động), SBT (Thành Thành Công - Biên Hòa), HPG (Hòa Phát)…
Xét theo lĩnh vực kinh doanh, chỉ số cổ phiếu của ngành bất động sản, ngân hàng, thực phẩm - đồ uống, xây dựng - vật liệu, dịch vụ tiện ích, dịch vụ tài chính, hóa chất, dầu khí, bảo hiểm, đồ dùng cá nhân và đồ gia dụng, du lịch - giải trí… tăng khá tốt.
Đối lập, chỉ số của các ngành tài nguyên, viễn thông, dịch vụ bán lẻ, ô tô - linh kiện phụ tùng… bị sụt giảm đáng kể.
Gần 1,16 tỉ USD được "sang tay", nhà đầu tư ngoại mua ròng
Mặc dù gặp áp lực bán tương đối mạnh vào giữa phiên khiến VN-Index bị giảm đà tăng, nhưng đến gần cuối phiên thị trường được tiếp sức bởi dòng tiền lớn đổ vào.
Chỉ số VN-Index chính thức khép phiên với mức tăng 15,23 điểm (+1,26%), vươn lên mốc 1.222,9 điểm. Thanh khoản sàn chứng khoán TP.HCM cũng dâng lên trên mốc 24.100 tỉ đồng (xấp xỉ 1,02 tỉ USD).
Cả sàn HNX và rổ UPCoM cũng tăng lần lượt 2,01 điểm (+0,85%) và 0,44 điểm (0,49%) lên mốc 239,55 điểm và 89,35 điểm.
Tổng giá trị mua bán cổ phiếu trên ba sàn giao dịch chính đạt hơn 27.300 tỉ đồng, tương đương 1,16 tỉ USD.
Hợp lực với nhà đầu tư trong nước, khối ngoại hôm nay mua ròng gần 90 tỉ đồng, trở thành phiên thứ ba liên tiếp mua ròng với tổng giá trị hơn 780 tỉ đồng.
Theo đội ngũ phân tích của Chứng khoán Yuanta, trong ngắn hạn thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, nên đồ thị giá có thể sẽ tiếp tục mở rộng đà tăng trong tuần giao dịch này, với vùng kháng cự 1.260 - 1.265 điểm.
Về dài hạn, xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở tăng. Do đó, nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.
Dù vậy phía Chứng khoán VnDirect cũng cho biết thị trường đã có nhịp tăng điểm khá dài, nhà đầu tư vẫn cần giữ trạng thái tâm lý tỉnh táo và hạn chế mua bằng mọi giá với những cổ phiếu đã rơi vào vùng quá mua.
Phố Wall quay lại đà tăng
Các chỉ số chính trên Phố Wall trong cuối tuần trước (28-7) đã quay trở lại đà tăng sau dữ liệu lạm phát lõi PCE tiếp tục giảm trong tháng 6-2023.
Đồng thời dữ liệu GDP cũng khiến tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn khi kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái. Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định diễn biến này có thể sẽ là chất xúc tác để thị trường tiếp tục đi lên trong ngắn và trung hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận