Bên cạnh khuyến cáo của ngành điện, nhiều người dân, doanh nghiệp, cơ quan... cũng đã có 1.001 cách để tiết kiệm điện, vừa giảm tiền điện vừa nhẹ gánh áp lực công suất đỉnh đối với lưới điện quốc gia lúc cao điểm.
Người dân "xắn tay" cùng tiết kiệm điện
Anh Quốc Thống (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết để hóa đơn tiền điện không "nhảy múa", anh đã điều chỉnh việc dùng điện một số thiết bị trong nhà vào mùa nắng nóng. "Tôi thấy có hai thiết bị tốn nhiều điện nhất trong nhà là máy lạnh và bếp điện. Tôi bật máy lạnh từ 21h rồi hẹn 0h máy tự động tắt. Tôi mở quạt máy cho quay khắp phòng, giúp hơi lạnh lan tỏa đều" - anh Thống nói.
Với bếp điện, anh Thống sẽ hạn chế nấu những món hầm để khỏi phải mở bếp lâu. Thay vào đó, anh ưu tiên ăn rau luộc hay nấu những món canh rau vừa mát lại không tốn điện vừa tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, anh Thống cũng có những cách tiết kiệm điện khác như tắt hẳn cầu dao của máy nước nóng vào mùa nắng nóng.
Còn gia đình chị Hoàn (quận Ba Đình, Hà Nội) mỗi tháng dùng 250 - 300 kWh điện, song vào giờ cao điểm nắng nóng, lượng điện tiêu thụ có thể lên tới 400 kWh. Vì vậy để tiết kiệm điện lúc cao điểm, chị Hoàn đã tìm hiểu cách tiêu dùng điện thông minh, nhằm giảm bớt chi phí tiền điện. Bên cạnh những khuyến cáo của ngành điện như sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, thay các loại bóng đèn LED tiêu hao năng lượng thấp, chị Hoàn đã phân bổ lại thời gian sử dụng các thiết bị điện trong nhà. Biết điều hòa là thiết bị "ngốn" nhiều điện nhất, chị điều chỉnh thời gian sử dụng cho phù hợp. Vào buổi tối, cả gia đình sử dụng chung một điều hòa ở phòng khách, để nền nhiệt độ ở mức 26-28 độ C. Chị cũng không để điều hòa chạy cả đêm mà thường thiết lập thời gian nhất định để phòng mát hơn thì chuyển sang dùng quạt.
Giảm tiền điện, tăng cạnh tranh về giá
Thời gian qua, nhà máy của Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn (Q.12, TP.HCM) đã áp dụng một loạt các giải pháp để tiết kiệm điện triệt để từ khối văn phòng đến khối sản xuất. Bên trong nhà máy, doanh nghiệp này đã dần chuyển đổi các thiết bị tốn điện như đèn dây tóc, đèn huỳnh quang, máy móc công suất lớn... sang các thiết bị ít tốn điện hơn và có dán nhãn tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đưa ra những quy định về tắt các thiết bị điện, mở điều hòa không được dưới 25 độ C. Đặc biệt, cứ 3 năm một lần, doanh nghiệp này lại kiểm kê tiêu hao năng lượng các thiết bị để có kế hoạch thay thế, chuyển đổi sang những thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, ít tiêu tốn điện hơn.
Vào mùa cao điểm nắng nóng này, nhà máy dệt nhuộm cũng điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Theo đó sẽ chạy máy dùng nhiều điện vào giờ thấp điểm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Thạch - giám đốc nhà máy nhuộm và hoàn tất của Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn - cho biết khi dịch chuyển khung giờ sản xuất, nhà máy lợi cả đôi đường. Khi chạy máy tốn nhiều điện vào giờ thấp điểm, có giá tiền thấp hơn, số tiền chênh lệch này sẽ dùng để bù vào tiền lương ca đêm cho nhân viên.
Theo ông Thạch, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, việc giảm tiền điện sẽ giúp giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh đối với các sản phẩm khi trước đây tiêu thụ điện 0,4 kWh/đơn vị sản phẩm, hiện giảm còn 0,37 kWh/đơn vị sản phẩm.
Tương tự, ông Nguyễn Khoa Đăng - tổng giám đốc Công ty CP Kỹ thuật xây dựng Searefico E&C - cho biết doanh nghiệp này vừa hoàn thành tổng kho logistics Searee ở Đà Nẵng. Trong đó đã áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm điện như thiết kế kiến trúc có thể tận dụng tối đa ánh sáng và gió tự nhiên, toàn bộ chiếu sáng là đèn led kết hợp điều khiển bằng cảm biến chuyển động để tắt mở đèn.
Doanh nghiệp cũng dùng thiết bị biến tần để điều khiển các hệ thống bơm, dùng vách nhà kho bằng panel PIR có hệ số cách nhiệt cao để giảm tiêu thụ điện cho hệ thống làm mát, đồng thời giảm phát thải CO2 do vật liệu được chế tạo theo phương pháp không nung. Theo ông Đăng, với những giải pháp đã áp dụng, nhà kho này sẽ tiết kiệm được 15 - 20% chi phí về năng lượng so với các kho khác.
Tiết kiệm điện, bớt phải phát điện giá cao
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Quang Lâm - phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) - cho biết hiện có 17.000 doanh nghiệp dùng trên 1 triệu kWh điện mỗi năm, trong đó có khoảng 5.000 doanh nghiệp đã tiêu thụ đến 34% sản lượng điện của cả nước.
Do đó, ông Lâm cho rằng ngành điện khuyến khích các doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn trên 1 triệu kWh/năm chung tay để tiết kiệm điện, tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) để giảm dùng điện vào lúc cao điểm, làm "phẳng" hơn biểu đồ phụ tải.
Theo ông Lâm, nếu so sánh với các nước trên thế giới, biểu đồ phụ tải của VN tương đối bất lợi khi các nước có biểu đồ tiêu thụ điện trong mỗi ngày, mỗi tháng tương đối phẳng. Còn tại VN lại dùng giờ cao điểm rất nhiều, giờ thấp điểm lại ít sản xuất.
Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng Thủ tướng đã có chỉ thị, các khách hàng là khối hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nếu tiết kiệm lượng điện thương phẩm 2% sẽ giúp khả năng cung cấp điện của hệ thống tốt hơn.
"Khi khả năng đáp ứng tốt hơn, chúng tôi không phải huy động các nguồn điện giá cao vào giờ cao điểm, đồng thời hạn chế phát thải khí ô nhiễm môi trường. Khi tiết kiệm điện hiệu quả giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh", ông Lâm nói.
Máy lạnh - "thủ phạm" tăng hóa đơn tiền điện
Ông Nguyễn Quốc Dũng - trưởng ban kinh doanh (EVN) - cho hay vào mùa nắng nóng, điều hòa không khí thường chiếm từ 50 - 70% lượng điện tiêu thụ trong mỗi gia đình.
Vì vậy, nếu mỗi hộ dùng hai máy điều hòa công suất 12.000BTU, mỗi tháng hóa đơn tiền điện sẽ tăng thêm hơn 1 triệu đồng. Do đó, việc tăng tiền điện trong mùa nắng nóng là khó tránh khỏi, thậm chí mức tăng còn gấp đôi, gấp ba lần so với các tháng bình thường.
Do đó, ông Dũng khuyến nghị việc lựa chọn công suất điều hòa phải phù hợp với diện tích phòng, như với phòng 15m2 nên lắp điều hòa 9.000BTU và diện tích từ 15 - 20m2 lắp 12.000BTU... Cục nóng được lắp đặt nơi có bóng râm hoặc mái che, điều hòa được vệ sinh 3-6 tháng/lần để tăng hiệu suất và tiết kiệm điện.
TP.HCM áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm điện
Ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết UBND TP.HCM cũng ban hành công văn về đẩy mạnh tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn TP trong mùa khô, năm 2024 và các năm tiếp theo.
Theo đó, lãnh đạo TP.HCM đề nghị đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng cần điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên, mở máy điều hòa trễ 60 phút và tắt máy điều hòa sớm 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc làm việc.
Đối với các trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ ngoài các yêu cầu trên cần tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí, quảng cáo, bảng hiệu từ 22h, TP yêu cầu các đơn vị này tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị từ công ty điện lực, khuyến khích sử dụng máy phát điện dự phòng để chủ động thêm nguồn cung cấp điện.
Còn các cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất cũng được khuyến cáo dịch chuyển một phần các hoạt động sản xuất sau 22h. Đối với các hệ thống chiếu sáng giao thông sẽ điều chỉnh thời gian mở đèn trễ 30 phút và tắt đèn sớm 30 phút so với kế hoạch hiện nay và giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng từ 22h tại các tuyến đường có lưu lượng xe ít.
Các hộ gia đình thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm điện trong hộ gia đình, tắt thiết bị khi không sử dụng, sử dụng máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên trong nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận